Nhắc đến những cây thuốc được tin dùng trong chữa bệnh cảm cúm, cảm lạnh, ho, sốt, viêm họng,… không ai là không biết cây rau tần. Vậy loài cây này có đặc điểm gì, công dụng ra sao và sử dụng như thế nào?
1. Sơ lược cây rau tần
Cây rau tần còn được biết đến với nhiều tên gọi quen thuộc khác như tần dày lá, húng chanh,…
Đặc điểm tự nhiên
Cây rau tần thuộc loài thân thảo với chiều cao khoảng 20 – 50cm, thân phân nhánh, tán lan rộng. Lá cây mọc đối xứng, hình trái tim, dày, cứng, mép lá có khía răng cưa. Cả thân và lá đều có lớp lông mịn. Hoa nhỏ, màu tím; quả tròn, màu đỏ. Tháng 4 và 5 là thời điểm cây ra hoa và quả.
Cây rau tần thường phát triển mạnh mẽ vào 2 mùa trong năm, đó là mùa hè và mùa thu. Người ta trồng rất nhiều loài cây này để vừa làm cảnh, trang trí; vừa làm dược liệu chữa bệnh. Lá cây chứa nhiều tinh dầu với mùi thơm cực kỳ dễ chịu. Khi ngửi sẽ mang lại cảm giác thư thái và khoan khoái.
Rau tần hay húng chanh là cây dược liệu rất quen thuộc với chúng ta
Phân bố sinh thái
Trong tự nhiên, cây rau tần phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới và vùng ấm áp của châu Phi, châu Á và châu Úc. Đặc biệt, cây được trồng rất nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,… nhờ vào tác dụng chữa bệnh. Có thể trồng cây ngoài đất thành từng bụi hoặc trồng trong chậu cảnh đều được. Cây ưa đất màu mỡ và thoát nước tốt.
Bộ phận sử dụng
Người ta thường sử dụng lá cây rau tần để chữa bệnh. Dược liệu được hái về, rửa sạch và có thể dùng tươi hoặc đem đi phơi khô 2 – 3 nắng. Ngoài lá thì một số người còn sử dụng cả cành non vì trong cành non cũng chứa nhiều tinh dầu.
Thành phần hóa học
Trong cây rau tần chứa lượng lớn phenolic. Ngoài ra còn có một số thành phần khác như salicylat, carvacrol, eugenol thymol, đặc biệt là colin – một chất kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn hữu hiệu.
2. Công dụng của cây rau tần
Cây rau tần vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe và nhan sắc.
Trị ho
Đây chính là một trong những tác dụng nổi bật của cây rau tần. Theo đó, trong lá tần dày chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất kháng sinh, có tác dụng trị ho và làm giảm triệu chứng đau rát họng. Đặc biệt, các thành phần hoạt chất này rất lành tính và an toàn nên có thể sử dụng được cho cả bà bầu lẫn trẻ em.
Trẻ bị ho, cảm cúm có thể uống nước ép từ lá rau tần để thuyên giảm
Giảm sốt
Ngoài trị ho thì cây rau tần còn có tác dụng giảm sốt nhờ vào khả năng thanh nhiệt và loại bỏ độc tố trong cơ thể ra ngoài qua tuyến mồ hôi. Nhưng lưu ý là tác dụng này của tần dày lá chỉ được áp dụng trong trường hợp sốt nhẹ do cảm lạnh. Nếu sốt cao kéo dài thì nên đi khám để được chỉ định dùng thuốc, tránh biến chứng.
Giảm đầy hơi
Nếu bạn bị đầy hơi, chướng bụng, cảm giác như ăn không tiêu hoặc bị hội chứng ruột kích thích thì có thể cải thiện bằng cách uống lá rau tần. Cụ thể là ngâm lá trong nước muối loãng hoặc hãm lá với nước sôi rồi uống như trà. Bằng cách này, triệu chứng khó chịu do đầy hơi, chướng bụng sẽ không còn nữa.
Giảm đau bụng kinh
Đây cũng là một công dụng nổi bật của cây rau tần được nhiều người biết đến. Uống lá cây có thể làm giảm triệu chứng đau bụng kinh rõ rệt. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Ấn Độ hay Indonesia, người ta còn lấy nước sắc từ cây tần dày lá cho mẹ sau sinh uống để tăng tiết sữa.
Trị viêm khớp
Không chỉ chứa hoạt chất kháng viêm, trong lá rau tần còn chứa nhiều axit béo omega-6. Những hợp chất này có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp và đau nhức xương. Ngoài ra, tinh dầu trong lá còn giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả, khuyến khích dùng cho các vận động viên hoặc người cao tuổi.
Cây rau tần hỗ trợ điều trị viêm khớp và phòng ngừa loãng xương
Trị bệnh ngoài da
Hoạt chất chống viêm trong tần dày lá giúp làm giảm triệu chứng sưng đau, mẩn ngứa và kích ứng trên da. Chính vì vậy mà cây rau tần còn được sử dụng để điều trị các bệnh lý ngoài da như vảy nến, chàm hoặc bôi vào vết côn trùng cắn. Đặc biệt, chị em cũng có thể dùng rau tần để chăm sóc da, giúp da được tái tạo và tươi trẻ.
An thần
Khoáng chất và hợp chất hữu cơ trong cây rau tần có tác dụng an thần. Bằng cách hãm lá cây với nước sôi rồi uống như uống trà, bạn sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái và dễ chịu hơn, cảm giác mệt mỏi, lo âu, bồn chồn dường như được thuyên giảm.
Phòng ngừa ung thư
Trong thân cây rau tần chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa. Đó là lý do chiết xuất từ thân cây có tác dụng ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư, nhờ đó, hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
3. Lưu ý khi sử dụng cây rau tần
Sẽ có một số lưu ý mà bạn cần nắm vững khi sử dụng cây rau tần để chữa bệnh, bao gồm:
- Cách sử dụng rau tần chữa bệnh đơn giản mà hiệu quả nhất là rửa sạch lá, giã nát hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước và uống. Có thể thêm một xíu hoặc một xíu đường phèn để dễ uống hơn (đối với trẻ nhỏ).
- Trường hợp dùng ngoài da thì đắp cả nước lẫn bả lên trực tiếp vùng da cần điều trị. Hoặc lọc lấy nước uống, còn bả dùng để đắp để gia tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên không được đắp lên vết thương hở để tránh nhiễm khuẩn.
- Cây rau tần chỉ có tác dụng trị ho và giảm sốt trong trường hợp nhẹ và đòi hỏi sự kiên trì, sử dụng liên tục.
- Liều dùng cho người lớn là uống 1 muỗng nước ép lá tần dày sau mỗi 1 giờ. Còn với trẻ em thì uống sau mỗi 2 giờ và không uống quá 4 lần/ ngày.
- Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong cây rau tần thì nên thận trọng hoặc tốt nhất là không sử dụng để tránh bị dị ứng, kích ứng.
Tuân thủ liều dùng khi uống nước ép lá tần dày để chữa bệnh