Loạn cảm họng là vấn đề sức khỏe phổ biến nhưng rất dễ nhầm lẫn. Bệnh gây cảm giác nghẹn, khó nuốt, thậm chí khó hít thở. Dưới đây là những triệu chứng cụ thể của bệnh và một số cách điều trị hiệu quả.
1. Triệu chứng loạn cảm họng
Đây là một hội chứng có thể do nhiều bệnh khác nhau gây ra. Khi bị loạn cảm họng, bệnh nhân dễ nhầm lẫn với tình trạng viêm họng hạt, mắc xương,… hay một số vấn đề sức khỏe khác. Điều này dẫn đến điều trị không đúng cách, triệu chứng bệnh không thuyên giảm và khiến cho người bệnh vô cùng lo lắng.
Người bệnh có cảm giác nghẹn ở cổ họng
Bất cứ ai cũng có thể bị loạn cảm họng, nhưng hội chứng này thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, người có từng đau dạ dày, nam giới nghiện rượu bia và thường xuyên hút thuốc lá.
Khi bị loạn cảm họng, người bệnh thường có một số dấu hiệu như:
– Cảm giác bị đau rát họng, vướng họng, đau ở vùng trước cổ, đau 2 bên cổ hay đau ở góc hàm. Người bệnh có cảm giác đau khi nuốt nước bọt nhưng khi nuốt thức ăn hoặc uống nước lại không cảm thấy đau.
– Ngứa họng, bị đau mỏi vùng cổ, đau vai gáy, thường xuyên đầy bụng, ăn không ngon,…
– Khó thở, khi nuốt nước bọt có cảm giác như có dị vật trong họng. Vì quá khó chịu, người bệnh thường xuyên phải khạc họng, nhưng khi khạc ra thì lại không có gì.
2. Nguyên nhân gây loạn cảm họng
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh loạn cảm họng là sự rối loạn của nội tiết tố, nhất là trong giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ. Bên cạnh đó, thường xuyên bị căng thẳng, thay đổi tâm lý, trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng này. Ngoài ra, loạn cảm họng còn có thể do:
Những bất thường tâm lý có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh
– Những vấn đề liên quan đến sức khỏe dạ dày, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra trong thời gian dài, thường xuyên sử dụng các loại thuốc chống viêm dạ dày, thuốc chống trào ngược dạ dày, thuốc ức chế bơm proton,…
– Bất thường về cấu trúc giải phẫu, chẳng hạn như mỏm trâm dài, bất thường về đốt sống cổ,…
– Thiểu năng tuyến giáp
– Bệnh tiểu đường.
– Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm.
– Những vấn đề sức khỏe sau khi xạ trị vùng cổ.
3. Chẩn đoán loạn cảm họng
Để có thể chẩn đoán người bệnh có mắc hội chứng loạn cảm họng hay không, các bác sĩ cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như sau:
– Khám tai mũi họng, nội soi tai mũi họng để kiểm tra amidan, vùng hầu miệng,… Phương pháp này sẽ giúp loại trừ những vấn đề như viêm họng hạt, hóc dị vật, viêm amidan,….
– Thăm khám vùng mũi xoang: Khi bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng như đau đầu, thường xuyên khịt mũi, chảy nhiều nước mũi thì cần kiểm tra vùng mũi xoang để nhận định xem những triệu chứng này có liên quan đến hội chứng loạn cảm họng hay không.
– Khám dạ dày, nội soi dạ dày: Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra xem người bệnh có xảy ra tổn thương bên trong dạ dày, thực quản hay không. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng thực hiện xét nghiệm HP để đánh giá nguy cơ ung thư dạ dày.
– Khai thác thông tin của người bệnh để có thêm căn cứ và đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, bao gồm:
+ Người bệnh có từng bị rối loạn chức năng dạ dày hay không?
+ Bệnh nhân có đang bị rối loạn nội tiết tố ở giai đoạn tiền mãn kinh hay không?
+ Người bệnh có bị căng thẳng kéo dài, trầm cảm hay không?
4. Điều trị loạn cảm họng
Phương pháp điều trị loạn cảm họng là thực hiện điều trị theo nguyên nhân gây bệnh để mang lại hiệu quả lâu dài và triệt để. Chẳng hạn:
– Đối với những bệnh nhân bị loạn cảm họng do một số vấn đề như viên amidan mạn tính, bị dài mỏm trâm,… bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giải quyết triệt để hội chứng này, giúp người bệnh nhanh chóng giảm triệu chứng bệnh và phục hồi sức khỏe.
– Nếu nguyên nhân gây bệnh là do những vấn đề về tâm lý như thường xuyên lo âu, căng thẳng, bị trầm cảm,… bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc chống trầm cảm. Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể được áp dụng điều trị bằng một số liệu pháp tâm lý.
– Nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp thì cần được điều trị sớm.
– Nếu nguyên nhân gây bệnh là do các vấn đề sức khỏe liên quan đến vùng đầu cổ thì có thể áp dụng các biện pháp để làm giảm căng cơ vùng cổ, liệu pháp vận động các đốt sống cổ.
– Đối với những trường hợp chưa tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc và cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc phù hợp, chẳng hạn như thuốc giảm viêm, thuốc giảm đau, thuốc an thần,… Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc nội tiết cho đối tượng bệnh nhân là nữ giới và đang trong thời kỳ mãn kinh.
5. Những lưu ý giúp bạn phòng ngừa loạn cảm họng
Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng loạn cảm họng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
– Thực hiện lối sống khoa học, chẳng hạn như không nên làm việc quá căng thẳng, không nên thức quá khuya, kiểm soát tốt căng thẳng, cân bằng chế độ nghỉ ngơi và chế độ làm việc.
Uống nhiều nước mỗi ngày để phòng bệnh
– Uống đủ nước mỗi ngày: Người trưởng thành nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Đây không chỉ là phương pháp ngăn ngừa bệnh loạn cảm họng mà còn giúp chúng ta nâng cao sức khỏe, phòng tránh nhiều loại bệnh lý khác.
– Không nên uống bia rượu, bỏ thói quen hút thuốc lá.
– Nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Ăn đa dạng thực phẩm, không nên ăn những loại đồ ăn cay nóng, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, không uống nước ngọt có gas.
– Điều trị triệt để những bệnh lý có thể gây loạn cảm họng như bệnh dạ dày, tuyến giáp, bệnh tiểu đường,….
– Nếu mắc các bệnh vùng họng như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang,… bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm và điều trị bệnh dứt điểm.