Ung thư máu là một bệnh lý ác tính có nguy cơ tử vong cao. Bệnh khó phát hiện do các biểu hiện ra bên ngoài không rõ ràng, chỉ đến khi bệnh sang giai đoạn muộn thì các triệu chứng mới cụ thể hơn. Vì vậy, việc hiểu hơn về bệnh lý này, nắm được các dấu hiệu ngay từ ban đầu để đi thăm khám sớm và điều trị là điều quan trọng.
1. Tổng quan về bệnh ung thư máu
Ung thư máu là dạng bệnh lý xảy ra ở bên trong các mô tạo máu của cơ thể, gồm có tủy xương và hệ thống miễn dịch. Ung thư máu tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, trong đó có một số dạng khá phổ biến ở trẻ em, một số khác lại khá phổ biến ở người lớn.
Ung thư máu tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh
Bệnh lý này xuất hiện là do sự đột biến ADN ở một số tế bào máu nhất định. Một vài sự thay đổi ở trong các tế bào máu không thể giải thích cũng được xem là tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác cũng khiến cho tế bào máu bất thường phát triển, phân chia nhanh hơn, thời gian tồn tại lâu hơn những tế bào khỏe mạnh, lấn át sự hiện diện của các tế bào khỏe mạnh ở tủy xương và hình thành nên bệnh lý.
Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh lý này. Tuy nhiên, các yếu tố như gen di truyền và tác nhân từ môi trường được cho là điều kiện để các tế bào ung thư phát triển.
2. Phân loại ung thư máu
Ung thư máu hiện được chia thành 3 loại bao gồm:
2.1. Bạch cầu
Bệnh lý này xuất hiện khi mô tạo máu bị các tế bào ung thư tấn công, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Lúc này, những tế bào bạch cầu có ở trong máu sẽ chống lại các yếu tố gây bệnh một cách mạnh mẽ, gây nên hiện tượng phát triển và phân chia quá nhanh chóng, không theo quy luật.
Ung thư bạch cầu có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi
2.2. Ung thư hạch (Lymphoma)
Ung thư hạch là tình trạng ung thư hình thành, phát triển ở bên trong hệ bạch huyết. Đây một mạng lưới rộng lớn, có chứa nhiều mạch tương tự như mạch máu. Cách mạch này có sự phân nhánh đến nhiều mô ở bên trong cơ thể, có chứa cả bạch huyết. Bạch huyết là dạng chất lỏng không bào, có chứa các tế bào bạch huyết giúp sản sinh ra các kháng thể có khả năng chống lại sự tấn công của các vi khuẩn và virus khi xâm nhập vào cơ thể.
Khi các tế bào lympho T và B ở trong bạch cầu biến đổi theo chiều hướng xấu sẽ dần xuất hiện tình trạng ung thư hạch. Chúng nhân lên một cách nhanh chóng rồi tạo thành các khối u ác tính làm ảnh hưởng đến hạch bạch huyết cùng nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
2.3. U tủy
Bệnh này xuất hiện khi các tế bào huyết tương phát triển không bình thường, hình thành nên các khối u ác tính. Trong đó, các khối u ở tủy sẽ nhân bản không có trật tự và trở thành một khối u tích tụ và phân bổ ở nhiều cơ quan bên trong cơ thể. Các khối u này sẽ tiết ra một loại hóa chất kích thích những tế bào tủy xương làm cho hệ thống xương khớp bị thiếu hụt canxi. Về lâu dài, xương khớp sẽ yếu hơn, giòn hơn và trở nên dễ gãy hơn.
2. Các triệu chứng nhận biết bệnh lý
Bệnh nhân ung thư máu thường có những triệu chứng điển hình như sau:
- Có cảm giác chán ăn, thường xuyên buồn nôn.
- Sốt, ớn lạnh không có lý do.
- Đổ mồ hôi về đêm và sụt cân một cách nhanh chóng.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Cảm giác khó thở, đau nhức đầu.
- Vùng bụng luôn khó chịu.
- Bị đau nhức xương khớp.
- Các vết thương ngoài da lâu lành hơn và có nguy cơ bị nhiễm trùng cao.
- Bị nổi phát ban hoặc bị ngứa ngoài da.
- Có hiện tượng sưng hạch bạch huyết ở những vùng như cổ, nách và bẹn.
Bệnh nhân ung thư máu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bị suy nhược cơ thể
4. Chẩn đoán ung thư máu như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh ung thư máu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, cụ thể:
- Thăm khám các triệu chứng lâm sàng: Dễ bị nhiễm khuẩn, thiếu máu, nguy cơ bị chảy máu, hội chứng bị thâm nhiễm, hội chứng loét và hoại tử vùng miệng – họng, thể không điển hình.
- Hỏi về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
- Dựa vào kết quả xét nghiệm, các hình thức xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm tế bào máu.
- Xét nghiệm tủy hoặc chọc hút tủy xương.
- Sinh thiết tủy xương.
- Xét nghiệm hóa sinh: Phân tích nước tiểu và huyết thanh của người bệnh.
- Xét nghiệm phân loại các tế bào và kháng nguyên bề mặt tế bào.
- Xét nghiệm tìm kiếm các gen và nhiễm sắc thể bất thường.
5. Các phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào từng loại ung thư máu mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, phương án điều trị cũng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn hiện tại của bệnh lý, độ tuổi của bệnh nhân và tình trạng sức khỏe. Theo đó, người ung thư thường được điều trị theo 3 hình thức phổ biến là:
Phương pháp điều trị sẽ được chỉ định phù hợp cho từng đối tượng cụ thể
- Cấy ghép tế bào gốc: Với phương pháp này, các tế bào gốc sẽ được đưa vào cơ thể để giúp tái tạo lại những tế bào máu khỏe mạnh. Những tế bào máu này có thể được lấy ra từ máu của phần dây rốn, máu tuần hoàn hoặc ở tủy xương.
- Xạ trị: Thường được các bác sĩ khuyến khích áp dụng đối với việc điều trị bệnh lý này. Nguồn năng lượng bức xạ từ những tia X sẽ giúp triệt tiêu các tế bào ung thư và làm kích thước của khối u nhỏ dần. Bức xạ có khả năng tác động đến những tế bào ung thư ở não và vùng dịch tủy sống để hạn chế cảm giác đau nhức ở xương. Một vài trường hợp có thể được chỉ định xạ trị trước khi tiến hành cấy ghép các tế bào gốc.
- Hóa trị liệu: Phương pháp này sẽ sử dụng những loại hóa chất có tác dụng chống ung thư để ngăn chặn quá trình sinh trưởng của những tế bào ung thư máu. Cũng giống như xạ trị, phương pháp hóa trị cũng có thể được tiến hành trước khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc.
Hóa trị là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều ung thư