THOÁI HÓA VÕNG MẠC: NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

19 Tháng Bảy, 2024

Thoái hóa võng mạc là một bệnh lý về mắt phổ biến, có nguy cơ dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bao gồm các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa hiệu quả.

1. Thoái hóa võng mạc là gì?

Thoái hóa võng mạc là hiện tượng lớp tế bào thần kinh rất mỏng tại đáy mắt, nằm ở phía trong cùng của nhãn cầu, bị lão hóa tự nhiên. Khi các tế bào tại võng mạc bị tổn thương, chức năng cảm thụ ánh sáng suy giảm, làm giảm khả năng nhận biết hình ảnh và ánh sáng cũng như truyền tín hiệu đến não. Nếu không được phát hiện và can thiệp chữa trị thì biến chứng nguy hiểm gây ra có thể là mù lòa.

Các triệu chứng nhận biết:

  • Nhìn không rõ, nhất là khi nhìn các vật ở khoảng cách xa.
  • Mắt bị khó chịu trong điều kiện ánh sáng mạnh, chói.
  • Trước mắt xuất hiện các đốm sáng hoặc hiện tượng ruồi bay, mạng nhện. 
  • Gặp khó khăn trong việc phân biệt và nhận diện màu sắc.
  • Hình ảnh nhìn thấy bị cong, méo mó, lượn sóng, biến dạng.
  • Thủy tinh thể bị chảy máu bất thường.
  • Xuất hiện điểm mù trước mắt.
Thị lực bị giảm do các tế bào võng mạc bị tổn thương

Thị lực bị giảm do các tế bào võng mạc bị tổn thương

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh 

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho tế bào của võng mạc bị thoái hóa. Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa võng mạc. 

Nguyên nhân

Tuổi tác, di truyền, bị cận thị hay mắc bệnh tiểu đường là các nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc.

  • Tuổi tác: Lúc này, phần trung tâm của võng mạc bị tổn thương – gọi là thoái hóa điểm vàng nên thị lực của người bệnh bị suy giảm nặng nề.
  • Di truyền: Một số người bị thoái hóa võng mạc di truyền, bẩm sinh. Võng mạc người bệnh sẽ bị thoái hóa một cách từ từ, dẫn đến biến chứng là mất thị lực ban đêm hoặc mất thị lực một bên. 
  • Cận thị: Võng mạc của người bị cận thị có xu hướng giãn, mỏng và thoái hóa ở vùng ngoại vi. Nhiều trường hợp nặng hơn, người bệnh còn bị bong, rách võng mạc dẫn đến không nhìn thấy hoàn toàn.
  • Tiểu đường: Bệnh nhân mắc tiểu đường cũng có thể bị thoái hóa võng mạc với các triệu chứng như sưng võng mạc, tầm nhìn bị mờ hoặc biến dạng. Nguyên nhân là do tổn thương các mao mạch phía sau mắt hoặc sự phát triển của các mao mạch mới trong mắt, dẫn đến hiện tượng vỡ, chảy máu và rò rỉ chất lỏng vào dưới võng mạc.
  • Tăng huyết áp: Khi huyết áp tăng cao khiến thành mạch máu võng mạc dày lên và lòng mạch máu bị hẹp lại. Điều này dẫn đến lượng máu cung cấp cho võng mạc giảm, gây phù nề võng mạc ở một số trường hợp, từ đó làm giảm chức năng của võng mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mạnh: Ngoài các nguyên nhân bệnh lý kể trên thì những người có công việc thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn ánh sáng mạnh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe đôi mắt, trong đó có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc.
Thoái hóa võng mạc thường xảy ra ở người già, người cao tuổi

Thoái hóa võng mạc thường xảy ra ở người già, người cao tuổi

Yếu tố nguy cơ

Những trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc cao hơn bình thường.

  • Người già, người lớn tuổi.
  • Người đang bị cận thị ở mức độ nặng. 
  • Người có bệnh nền: tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, béo phì,…
  • Người trong gia đình đã có tiền sử mắc bệnh lý về mắt.
  • Bị chấn thương ở vùng mắt.
  • Thường xuyên phải làm việc với các thiết điện tử.
  • Người có thói quen hút thuốc lá. 

3. Các phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc

Sau khi kiểm tra và thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật. 

Dùng thuốc

Thuốc điều trị thoái hóa võng mạc có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, thường là các loại thuốc kháng VEGF, giúp kiểm soát sự tăng sinh của các mao mạch phía sau mắt. Dù sử dụng loại thuốc nào, người bệnh cũng cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, đảm bảo ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh kịp thời. Không nên tự ý ngưng thuốc đột ngột hay kéo dài thời gian sử dụng thuốc ngoài chỉ định trong quá trình điều trị.

Điều trị thoái hóa võng mạc bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt

Điều trị thoái hóa võng mạc bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt

Phẫu thuật

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người bệnh có thể được thực hiện phẫu thuật laser hoặc phẫu thuật ghép thấu kính. Thông thường, các phương pháp điều trị này được áp dụng trong những trường hợp thoái hóa võng mạc nghiêm trọng, khi các tế bào võng mạc bị bong rách và khả năng phục hồi rất thấp.

4. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc là một bệnh lý phổ biến và nguy hiểm. Việc điều trị cũng rất tốn kém mà khả năng phục hồi và bảo tồn thị lực là không hoàn toàn với những trường hợp nặng. Do đó, bạn cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp sau.

  • Rửa mặt và vệ sinh mắt bằng nước ấm mỗi ngày, có thể là vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy hoặc mỗi khi ra ngoài về.
  • Ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và axit béo, tốt cho mắt như cà rốt, cà chua, đu đủ, cá thu, cá hồi, hạt lanh, đậu nành,…
  • Sinh hoạt trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, hạn chế để mắt tiếp xúc lâu với các thiết bị điện tử để tránh mỏi mắt, nhức mắt, cận thị,… 
  • Bảo vệ mắt khi đi dưới trời nắng, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi hay đi bơi ở hồ bơi công cộng. 
  • Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là chăn ga gối nệm thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ. 
  • Từ bỏ các thói quen xấu gây hại cho mắt như dụi mắt, đeo kính áp tròng qua đêm, thường xuyên trang điểm mắt,… 
  • Không sử dụng đồ dùng cá nhân (khăn lau mặt, mắt kính, thuốc nhỏ mắt,…) với người khác.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.
  • Nếu có bệnh nền thì cần kiểm soát bệnh để tránh nguy cơ bị thoái hóa võng mạc. 
  • Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc khám khi mắt có dấu hiệu bất thường.
Đăng trong Chưa phân loại