Chứng khó tiêu là tình trạng rối loạn tiêu hóa chủ yếu do thói quen ăn uống thiếu khoa học gây nên. Với những trường hợp bị khó tiêu nhẹ thì có thể được khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày, tăng cường bổ sung chất xơ. Dưới đây là một số thông tin về chứng đầy bụng, khó tiêu mà bạn đọc có thể tham khảo.
1. Nguyên nhân gây chứng khó tiêu
1.1. Ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh
Chứng khó tiêu có thể xảy ra sau khi bạn ăn quá nhiều, quá nhanh các món ăn khó tiêu hóa như đồ giàu chất béo và gia vị cay nóng. Những người thường xuyên ăn ngọt nhiều, uống soda hay rượu bia,… cũng có thể gặp phải tình trạng này.
Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, ít chất xơ dễ khiến bạn bị đầy bụng – khó tiêu
1.2. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Bạn cũng có thể bị khó tiêu khi sử dụng một vài loại thuốc điều trị như:
- Thuốc tránh thai.
- Các loại thuốc có tác dụng chống viêm không chứa steroid.
- Thuốc bổ sung thêm estrogen.
- Nhóm thuốc có chứa nitrat.
- Các loại thuốc kháng sinh.
- Nhóm thuốc điều trị bệnh tuyến giáp,…
1.3. Do bệnh lý và các nguyên nhân khác
Trong nhiều trường hợp, tình trạng khó tiêu còn là triệu chứng nhận biết của một số loại bệnh lý như:
- Các bệnh lý như sỏi mật, bệnh thoát vị hoành, bệnh viêm – loét – ung thư dạ dày, viêm tụy,…
- Do thường xuyên lo âu và căng thẳng.
- Bị nhiễm vi khuẩn HP.
- Do thừa cân và béo phì,…
Chứng khó tiêu đôi khi còn là biểu hiện của một vài bệnh lý khác
Đa số các trường hợp bị khó tiêu cấp tính đều là do chế độ ăn uống không khoa học và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Thế nhưng, khi triệu chứng này kéo dài, đi kèm với các biểu hiện khác thì nguyên nhân có thể đến từ các bệnh lý và cần được điều trị để khắc phục.
2. Những triệu chứng nhận biết
Một trong số các biểu hiện rõ nhất của chứng khó tiêu chính là cảm giác căng tức ở vùng bụng đi kèm với những cơn đau âm ỉ. Ngoài ra, bệnh nhân khó tiêu còn có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu khác như:
- Đau ở vùng thượng vị.
- Nóng rát ở thượng vị do sự bài tiết của acid dạ dày và cả enzyme.
- Chướng bụng.
- Dễ cảm thấy no hoặc cảm thấy chán ăn,…
Ngoài ra, ở những trường hợp bị khó tiêu nghiêm trọng hơn cũng sẽ xuất hiện thêm các biểu hiện khác như:
- Ợ nóng hoặc ợ chua.
- Nôn trớ.
- Có cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
- Bị trào ngược acid dạ dày,…
Đa số các trường hợp bị chướng bụng, khó tiêu sẽ kéo dài trong vài phút cho đến vài giờ sau mỗi bữa ăn hoặc thậm chí là vài ngày sau.
Người bệnh có thể xuất hiện một vài biểu hiện điển hình khi bị mắc chứng khó tiêu
3. Các biện pháp cải thiện tình trạng khó tiêu
Nếu bạn chỉ bị chứng khó tiêu ở mức độ nhẹ thì có thể áp dụng một vài biện pháp sau để cải thiện vấn đề:
3.1. Bổ sung thêm chất xơ
Một chế độ ăn giàu đạm, nhiều chất béo và ít chất xơ sẽ khiến cho hệ tiêu hóa bị quá tải và hoạt động kém hơn. Từ đó, tình trạng khó tiêu sẽ xuất hiện. Vì vậy, bạn nên tăng cường bổ sung thêm chất xơ nhằm cải thiện các chức năng của đường ruột và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình các loại thực phẩm giàu chất xơ như: rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt,…
Hàm lượng chất xơ được hòa tan trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại quả mọng còn giúp làm chậm lại quá trình lưu chuyển thực phẩm. Nhờ đó, nếu bạn đang bị tiêu chảy thì tình trạng này cũng được cải thiện đáng kể.
Chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng khó tiêu
3.2. Uống men vi sinh
Tình trạng khó tiêu xảy ra có thể là vì hoạt động tiêu hóa của dạ dày đã bị suy yếu hoặc do mất cân bằng vi sinh ở trong đường ruột. Lúc này, bạn có thể bổ sung thêm men vi sinh để khắc phục vấn đề một cách nhanh chóng.
Men vi sinh sẽ giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm nhẹ các triệu chứng như bị đầy hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, men vi sinh cũng sẽ giúp cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh, đặc biệt là những người thường xuyên uống kháng sinh và có thói quen ăn uống kém lành mạnh.
3.3. Uống trà thảo mộc
Bạn có thể chọn nhiều loại trà thảo mộc khác nhau nhằm cải thiện các chức năng của hệ tiêu hóa, đồng thời phòng ngừa tình trạng khó tiêu. Một vài loại trà có thể sử dụng để uống hàng ngày như:
- Trà gừng.
- Trà hoa cúc.
- Trà bạc hà,…
Bạn nên pha trà và uống vào buổi sáng để kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, các dưỡng chất từ những loại trà thảo mộc này cũng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe hơn (như hoạt chất chống oxy hóa).
Các loại trà thảo mộc cũng là một phương pháp khắc phục tình trạng khó tiêu
3.4. Sử dụng bột baking soda
Nếu chứng khó tiêu khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu thì có thể sử dụng baking soda để làm giảm triệu chứng ngay tức thời. Thành phần chính của baking soda chính là natri hydrocarbonat có khả năng trung hòa các acid dạ dày và giúp bạn đỡ khó chịu hơn.
Bạn chỉ cần hòa tan khoảng 1/4 thìa canh bột baking soda cùng với một cốc nước ấm và uống trực tiếp là được.
4. Làm thế nào để phòng ngừa chứng khó tiêu
Để phòng ngừa chứng khó tiêu cũng như làm giảm các triệu chứng của bệnh lý, bạn có thể thay đổi chế độ ăn cân bằng dưỡng chất và lành mạnh hơn như:
- Chỉ ăn một lượng thức ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều. Nếu có thể, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn của mình.
- Không nên thức khuya và tránh ăn muộn.
- Hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo (dầu mỡ) để phòng tránh kích thích ợ nóng.
- Nên tập thói quen ăn chậm và nhai kỹ.
- Hạn chế hoặc tốt nhất nên bỏ thuốc lá.
- Những người bị thừa cân, béo phì nên giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Không nên uống quá nhiều cà phê hoặc các loại nước ngọt, đồ uống có cồn.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh bị căng thẳng và lo lắng,…
Hạn chế các loại đồ uống, thực phẩm có hại sẽ giúp dạ dày bạn khỏe hơn mỗi ngày
Tóm lại, đa phần các trường hợp bị khó tiêu đều là do ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm và chất béo, lại không cung cấp đủ chất xơ nên dạ dày sẽ tốn nhiều thời gian hơn cho quá trình chuyển hóa. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày bằng một chế độ lành mạnh hơn.