Tình trạng tăng huyết áp là phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tăng huyết áp đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo thống kê, năm 1960, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành phía bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) theo điều tra trên toàn quốc của Viện Tim mạch thì tỷ lệ này đã 11,2%, tăng lên hơn 11 lần. Theo kết quả điều tra năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp ở người độ tuổi 25-64 là 25,1%. Theo Tổng điều tra toàn quôc về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, có 18,9% người trưởng thành trong độ tuổi 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới. Còn nếu xét trong độ tuổi 18-25 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp tăng từ 15,3% năm 2010 lên 20,3% năm 2015. Như vậy là cứ 5 người trưởng thành 25-64 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…Trong một nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não. Ước tính có khoảng 15.990 người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não hàng năm. Điều tra dịch tễ học suy tim và một số nguyên nhân chính tại các tỉnh phía bắc Việt Nam năm 2003 do Viện Tim mạch phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây suy tim tại cộng đồng là do tăng huyết áp (chiếm 10,2%), sau đó là do bệnh van tim do thấp (0,8%).
Ở Việt Nam, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Như vậy cả trên thế giới và ở Việt Nam, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan đang gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong lớn nhất so với các nguyên nhân khác nên cần phải có các giải pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.
I.Tăng huyết áp là gì:
1.Khái niệm :
Một người được xác định là bị tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị để hạ huyết áp.
Hậu quả của Tăng huyết áp: tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Đây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người… làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài tăng huyết áp còn gây các biến chứng như suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi, suy thận, xuất huyết võng mạc và tổn thương thị giác…
2. Tăng huyết áp chia thành 3 độ:
- Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ): từ 140-159 trên 90-99 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2 (vừa): từ 160-179 trên 100-109 mmHg
- Tăng huyết áp độ 3 (nặng) : bằng hoặc trên180 trên110 mmHg
3.Nguyên nhân:
- Yếu tố gia đình: Tăng huyết áp có tính di truyền, nếu trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị tăng huyết áp thì bản thân có nguy cơ cao bị bệnh này.
- Giới tính : Ðàn ông dễ tăng huyết áp hơn phụ nữ.Tuy vậy,phụ nữ,sau khi mãn kinh, cũng dễ tăng huyết áp hơn lúc còn kinh.
- Tuổi tác: Ở lứa tuổi 60 trở lên, tỷ lệ tăng huyết áp là 1/3.
- Béo phì: Trong lượng cơ thể vượt quá mức cho phép (chỉ số BMI ở nam hơn 25, nữ hơn 30).
- Nghiện rượu, bia và thuốc lá, thuốc lào
- Ăn mặn: Lượng muối quá 6 g/ngày ( tương đương 1 thìa cà phê muối/1 ngày)
- Rối loạn lipid máu và tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường…
- Tâm lí căng thẳng, lo lắng
- Ít vận động, ít tập thể dục
4.Dấu hiệu của bệnh: 6 dấu hiệu chính
- Nhức đầu: Phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày.
- Chóng mặt: Cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu, mờ mắt.
- Mệt: Cảm giác nặng ở ngực, hơi khó thở.
- Yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút.
- Chảy máu cam tái phát nhiều lần.
- Ù tai, mất ngủ…
5.Biến chứn của bệnh: bệnh có thể gây ra các biến chứng như
- Tai biến mạch máu não
- Nhồi máu cơ tim
- Giảm thị lực, nhìn mờ
- Suy thận
- Phình tách động mạch chủ bụng
II.Các biện pháp phòng ngừa:
1.Chế độ dinh dưỡng:
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước (1,5-2 lít/1 ngày)
– Nên từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn…
– Giữ cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân, béo phì
– Hạn chế:
- ăn muối (không quá 6g/ngày = 1thìa cà phê muối/1 ngày),
- thức ăn nhanh ( thực phẩm đóng hộp, xúc xích, mì tôm, đồ uống có ga, nước ngọt đóng chai…)
- thức ăn chứa nhiều chất béo (đồ chiên rán, nội tạng động vật…)
– Nên dùng dầu thực vật (dầu dừa, dầu lạc, dầu hướng dương, dầu đậu nành…) thay thế cho mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ gà, mỡ bò…)
2.Chế độ tập luyện:
Mỗi ngày dành ra 30 phút- 1 tiếng để vận động cơ thể như đi bộ, chơi bóng chuyền, đánh cầu lông…
3.Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn:
- Sắp xếp giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày), tránh thức khuya.
- Luôn giữ cho tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh những căng thẳng, mệt mỏi.
- Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp thì cần điều trị liên tục ngay cả khi cảm thấy khỏe, uống thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, kiểm tra sức khỏe định kỳ (3 tháng/1 lần).
- Khi có các triệu chứng hãy đến ngay Trạm y tế xã để được khám và tư vấn kịp thời.
Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.