Biểu hiện các triệu chứng lâm sàng chính của COVID-19 ngay từ đầu đã được xác định như sốt, ho, tức ngực, khó thở… nhưng đến nay Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch đã có công bố về người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng.
1. Người mang mầm bệnh không triệu chứng là gì?
Nói đến mang mầm bệnh không triệu chứng, người ta muốn ám chỉ mầm bệnh ở đây là vi sinh vật (virrus, vi khuẩn) gây bệnh. Người mang mầm bệnh không có triệu chứng, có nghĩa là người đang mang mầm bệnh trong cơ thể nhưng vẫn khỏe mạnh hoặc đã bị nhiễm mầm bệnh, nhưng không có dấu hiệu cũng như triệu chứng nào. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi chính mầm bệnh nhưng người mang mầm bệnh vẫn có thể truyền bệnh cho người khác hoặc phát triển các triệu chứng ở giai đoạn sau của bệnh. Vì vậy, đã từ lâu “người mang mầm bệnh không triệu chứng” đã được các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rất quan tâm, bởi vì, trong cộng đồng dân cư hay gặp nhất người lành mang mầm bệnh không triệu chứng như vi khuẩn (thương hàn, tả, lỵ, bạch hầu…), virus (cúm, HIV, SARS…). Những người mang mầm bệnh không triệu chứng này sẽ gieo rắc mầm bệnh ra môi trường, làm cho nhiều người bị lây nhiễm và lâm bệnh, thậm chí bùng phát thành dịch, thậm chí đại dịch (dịch tả, dịch lỵ, dịch bạch hầu, dịch cúm…). Đây là những người mang mầm bệnh không có triệu chứng lâm sàng, nên bản thân người mang mầm bệnh cũng như những người xung quanh (gia đình, bạn bè, hàng xóm, trường học, công sở…) không thể biết được và cán bộ y tế cũng không thể nào nắm bắt được, chỉ trong trường hợp nghi ngờ mới tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết mới hy vọng phát hiện được.
2. Một số loại người mang mầm bệnh không triệu chứng
Người mang mầm bệnh không triệu chứng là người đã bị vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể nhưng do cơ thể có sức đề kháng mạnh sẽ ức chế được sự phát triển của vi sinh vật (không cho chúng nhân lên) cho nên không thể gây bệnh nên không có triệu chứng lâm sàng hoặc do số lượng vi sinh vật xâm nhập cơ thể với số lượng ít chưa thể gây bệnh được cho nên không có triệu chứng nào xuất hiện. Với dạng này, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể chưa thể gây bệnh nhưng khi sức đề kháng của thể vì một lý do nào đó suy giảm, chúng sẽ phát triển nhanh chóng và gây bệnh. Dạng người lành mang mầm bệnh không triệu chứng này hết sức nguy hiểm mặc dù chúng chưa gây bệnh cho người đó nhưng chúng luôn đào thải ra môi trường bên ngoài làm cho nhiều người có thể gặp phải, mắc bệnh và nguy cơ thành dịch, thậm chí đại dịch.
Đồng thời có một loại khác người mang mầm bệnh không triệu chứng, đó là loại bệnh nhân mầm bệnh đã xâm nhập cơ thể, chúng đang ở giai đoạn thích nghi với điều kiện mới để nhân lên và gây bệnh, gọi là thời kỳ ủ bệnh (nung bệnh). Ở giai đoạn này hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều chưa có triệu chứng lâm sàng nào. Giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực của vi sinh vật gây bệnh, số lượng vi sinh vật xâm nhập, sức đề kháng của cơ thể… Ở giai đoạn này người bệnh cũng không thể biết, những người xung quanh, người tiếp xúc trực tiếp cũng không thể biết và ngay cả cán bộ y tế cũng không thể biết được người này có mang mầm bệnh. Và điều nguy hiểm nhất là mầm bệnh rất dễ lây lan ra xung quanh, lây cho những người giao tiếp, đặc biệt là những người tiếp xúc gần.
Bên cạnh đó còn có một loại người mang mầm bệnh không triệu chứng là vi sinh vật chưa xâm nhập vào trong cơ thể cho nên không làm tổn thương cơ thể, vì vậy, không có triệu chứng là điều tất nhiên. Bởi vì, chúng đang ở ngoài cơ thể (da, niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân…), lông, tóc, quần áo… Tuy vậy, loai này, vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập cơ thể bất cứ lúc nào và có khả năng làm lây lan ra môi trường xung quanh rất lớn.
Nguồn: Báo sức khoẻ & Đời sống