Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

4 Tháng Bảy, 2021
Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm tiểu cầu theo dõi tình trạng bệnh và kê thuốc cho điều trị tại nhà để trẻ được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ lây chéo bệnh… Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong…

1. Mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết điển hình với triệu chứng sốt là cơ bản vì luôn xảy ra lúc bệnh khởi phát. Sốt xuất huyết có đặc điểm khác với chứng sốt của bệnh khác với đặc điểm:

  • Sốt đột ngột, sốt cao: 39-40 độ C hoặc cao hơn, sờ vào trán trẻ thấy nóng ran
  • Sốt liên tục kéo dài 2-7 ngày kèm theo đau bụng, thường là đau vùng rốn hoặc bên phải rốn, nôn trớ, phình bụng. Việc dùng thuốc hạ sốt cũng không giảm thiểu bệnh tình

Một số triệu chứng điển hình khác dễ nhận thấy khi bị sốt xuất huyết:

  • Nổi mẩn, phát ban dưới da (thể nhẹ), xuất hiện nốt xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng
  • Đại tiện ra máu (xuất huyết nội tạng là thể nặng).

Biểu hiện sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 từ lúc bệnh bắt đầu khởi phát, các triệu chứng sốc, bao gồm: trẻ từ trạng thái tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã; trẻ có những cơn đau bụng dữ dội; tay, chân lạnh; da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại. Trẻ tiểu ít hoặc không tiểu chút nào. Trẻ bắt đầu có biểu hiện khát nước, đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng.

  • Độ 1: Người bệnh sốt nhẹ, chưa có triệu chứng xuất huyết
  • Độ 2: Sốt có triệu chứng xuất huyết
  • Độ 3: Bắt đầu có dấu hiệu sốc
  • Độ 4: Tình trạng sốc nặng

Trẻ sốt xuất huyết độ 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Với độ 2, tùy trường hợp, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết. Những trường hợp độ 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay.

2. Chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết tại nhà

Mục tiêu của chăm sóc và theo dõi sốt xuất huyết tại nhà là phát hiện sớm trẻ bị bệnh, chăm sóc đúng và phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Với sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết, gia đình phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được nghe theo kinh nghiệm mách bảo để chữa mẹo hoặc dùng thêm các loại thuốc khác.
Tuy là chăm sóc tại nhà nhưng vẫn cần theo dõi 24/24 giờ nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Trong trường hợp dùng cặp nhiệt độ điện tử thì trước khi cặp cho trẻ nên cặp thử trên người bình thường để đánh giá tính xác thực của dụng cụ điện tử dùng đo thân nhiệt, nếu thấy sai lệch thì nên thay bằng nhiệt kế thủy ngân. Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Cần cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ chơi đùa nhiều và tránh mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ.
Sử dụng thuốc:

  • Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 – 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ, cứ 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Sau khi uống thuốc hạ nhiệt 1 giờ, cần đo lại nhiệt độ. Tuyệt đối không dùng aspirin vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em.
  • Nếu thân nhiệt của trẻ trên 37 độ, dưới 38,5 độ thì không cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần lau mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ vài ba độ) để làm thoát nhiệt cho trẻ dễ dàng.
  • Khi trẻ bị sốt cao trong một thời gian dài (trên 39 độ) sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt. Nếu không có oresol, nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C. Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn hoặc không chịu ăn, làm cho trẻ ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết. Cho trẻ uống từ từ vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.
Về dinh dưỡng:
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại…kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.
Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng tránh bị suy dinh dưỡng. Cần tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.

3. Những việc không nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

  • Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.
  • Không cho trẻ uống những loại nước có màu, có ga, nước ngọt vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
  • Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống được trẻ.
  • Tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Chỉ được dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và do bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ cần phải được nhập viện

Từ ngày thứ 3 – ngày thứ 7, bệnh trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 – 38oC hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau đây:

  • Trẻ nôn trớ, đau bụng.
  • Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi.
  • Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

5. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết

  • Chống muỗi đốt bằng cách xịt chống muỗi, mắc màn khi ngủ.
  • Diệt muỗi, diệt loăng quăng. Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa, khô ráo vì môi trường ẩm thấp là những điều kiện thuận lợi cho muỗi cư trú và phát triển.
  • Phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy kín thùng trữ nước, dọn dẹp những nơi trũng nước sau trời mưa vì đó là nơi muỗi tới sinh nở.

Không cho trẻ chơi gần những nơi ẩm thấp, tối kín, nơi muỗi tập trung.
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Để được biết thêm thông tin bổ ích hãy liên hệ với Trung tâm xét nghiệm Y khoa Dr.Labo.
Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.