I. Cơ chế sinh miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, phòng tác nhân gây bệnh COVID-19. Những loại vắc xin khác nhau sẽ có những tác động khác nhau để cơ thể đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên có một điểm chung trong cách thức hoạt động của các loại vắc xin là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào lympho T, lympho B ghi nhớ để chống lại virus xâm nhập trong tương lai.
Vaccine AstraZeneca sử dụng vector là virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus gây bệnh COVID-19 được gọi tên là Spike hoặc S. Protein, Spike chính là thành phần tiên phong mở đường tiến công cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người. Đây cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Sau khi vào cơ thể, vắc xin sẽ mang mã di truyền của virus corona quy định protein S cho tế bào.., từ đó, cơ thể bắt đầu hình thành cơ chế tự tạo ra protein S.
Các tế bào miễn dịch trong máu của bạn nhận diện protein S là “kẻ xâm nhập”, và điều này kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch.
Cơ thể bạn bắt đầu tạo ra kháng thể và tế bào miễn dịch, gọi là tế bào T, có thể nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào có mang protein S. Các tế bào miễn dịch còn kêu gọi sản xuất ra nhiều tế bào miễn dịch hơn để giúp chống lại những “kẻ xâm nhập”.
Hệ thống miễn dịch sau đó tiếp tục tạo ra các tế bào trí nhớ. Những tế bào trí nhớ này có thể phát hiện ra virus corona trong tương lai, bằng cách nhận ra protein S trên bề mặt của virus corona. Nếu các tế bào miễn dịch phát hiện ra virus corona trong cơ thể bạn, chúng có thể kêu gọi phóng thích kháng thể và sản xuất tế bào T rất nhanh. Điều này ngăn chặn virus corona lây lan và làm giảm tác hại do bệnh COVID-19 gây ra.
II. Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca
1. Trường hợp chỉ định tiêm
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đến nay, vắc xin này vẫn có dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng vắc xin ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
2. Trường hợp trì hoãn tiêm chủng
- Người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;
- Người đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần;
3. Chống chỉ định tiêm
- Tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước);
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
III. Một số tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin AstraZeneca
Giống như một số loại vắc xin khác, sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có thể gặp một số phản ứng phổ biến như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi ban đỏ, chai cứng, sưng, ngứa, đỏ tại chỗ tiêm.
- Một số phản ứng toàn thân khác: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
1. Vắc xin Astrazeneca bị đông máu sau khi tiêm?
Theo nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho biết, ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vắc xin AstraZeneca tạo nên kháng thể bất thường gây đông máu. Tình trạng này được các nhà khoa học gọi là hiện tượng “giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin” (VITT).
Đây là kết quả nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Y học New England và ngày 9/4/2021. Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 9/4, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Andreas Greinacher cho biết, có một số người có đặc điểm sinh học cực kỳ hiếm gặp, khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường và phản ứng ngược lại với vắc xin. Các kháng thể bất thường dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây nên tình trạng đông và chảy máu bất thường.
2. Tiêm vắc xin AstraZeneca bị tiêu chảy?
Không riêng vắc xin COVID-19, tất cả các loại vắc xin đều có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm, đa số các trường hợp thường là nhẹ. Một số tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19 có thể kể đến như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ và đau đầu, hiếm gặp hơn là đau bụng, tiêu chảy, nôn,… Nếu những biểu hiện hiếm gặp này xảy ra ngay sau khi tiêm, người được tiêm chủng cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để xử trí kịp thời. Cá biệt, một số trường hợp có phản ứng muộn trong 28 ngày sau tiêm, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.