BỆNH THỦY ĐẬU Ở NGƯỜI LỚN CÓ GÂY BIẾN CHỨNG GÌ KHÔNG?

25 Tháng Sáu, 2024

Không chỉ trẻ nhỏ mà người trưởng thành cũng có thể mắc thủy đậu cùng với nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vậy bệnh thủy đậu ở người lớn gây ra những triệu chứng gì và những đối tượng nào dễ gặp phải?

1. Triệu chứng bệnh thủy đậu ở người lớn

Bệnh thủy đậu do virus Varicella-Zoster gây ra. Ở người lớn bị bệnh, triệu chứng thủy đậu cũng tương tự ở trẻ em tuy nhiên, khi gặp biến chứng, chúng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bệnh thủy đậu thường diễn biến theo những giai đoạn như sau: 

– Thời kỳ ủ bệnh: Từ 10 đến 14 ngày sau khi bệnh nhân tiếp xúc với virus. Ở những người có hệ miễn dịch kém thì thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn.

Người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao

Người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao

– Thời kỳ khởi phát: Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, kèm theo sốt, toàn cơ thể đau nhức, chán ăn. Sau 1 đến 2 ngày, những nốt mụn nước phồng rộp sẽ xuất hiện trên da và bắt đầu lan ra toàn thân. Tùy vào cơ địa và mức độ bệnh mà những nốt mụn nước có thể xuất hiện nhiều hoặc ít. Những nốt ban đỏ này sẽ phát triển thành mụn nước khiến bệnh nhân bị ngứa ngáy và khó chịu. 

– Thời kỳ hồi phục: Khoảng một tuần, sau khi những biểu hiện bệnh xuất hiện, các mụn nước sẽ đóng vảy, bị bong tróc. Nếu chăm sóc đúng cách, những mụn nước này thường không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu để xảy ra tổn thương nghiêm trọng, bội nhiễm thì nguy cơ hình thành sẹo là rất cao, đồng thời bệnh nhân cũng phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng khác. 

2. Đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu 

Những trường hợp không mắc thủy đậu khi còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu đều có thể mắc phải căn bệnh này, nhất là những đối tượng dưới đây: 

– Những người có tiếp xúc với người đang mắc thủy đậu hoặc tiếp xúc với vùng dịch tễ của thủy đậu.

Những trường hợp sống với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và chưa tiêm phòng thủy đậu. 

– Những người làm công việc tại trường học, khu vui chơi dành cho trẻ hoặc công việc chăm sóc trẻ.

– Người đã tiếp xúc với người bệnh, chạm vào những nốt phát ban của người bị nhiễm thủy đậu hay người mắc bệnh zona thần kinh. 

– Người tiếp xúc với đồ cá nhân của bệnh nhân thủy đậu cũng có nguy cơ mắc bệnh. 

– Người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư, HIV/AIDS, các bệnh miễn dịch khác,… cũng dễ nhiễm virus thủy đậu. 

Người có bệnh nền cũng dễ nhiễm virus thủy đậu

Người có bệnh nền cũng dễ nhiễm virus thủy đậu

– Phụ nữ mang thai: Nếu chưa từng bị thủy đậu trước đó hoặc chưa được tiêm phòng thì thai phụ có nguy cơ cao bị virus thủy đậu tấn công. Mắc thủy đậu khi đang mang thai có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến tính mạng của thai nhi. Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ gặp biến chứng bệnh thủy đậu cao hơn những đối tượng khác. 

– Người dùng thuốc ức chế miễn dịch: Ở những đối tượng này, hệ miễn dịch sẽ suy yếu hơn bình thường và khiến người bệnh dễ nhiễm virus gây bệnh. 

3. Biến chứng bệnh thủy đậu ở người lớn

Thủy đậu thường sẽ tự lui bệnh nhưng một số triệu chứng bệnh cũng gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Khi người lớn mắc bệnh thủy đậu sẽ gặp phải các biến chứng dưới đây: 

– Nếu không thường xuyên vệ sinh cơ thể và vệ sinh đúng cách, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn da, thậm chí nhiễm trùng huyết.

– Mất nước.

– Viêm phổi.

– Viêm não.

– Hội chứng Reye.

– Nguy cơ mắc bệnh Zona: Nếu đã từng mắc bệnh thủy đậu, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh zona. Biến chứng này là do virus gây bệnh vẫn còn tồn tại trong những tế bào thần kinh dù bệnh đã được chữa khỏi. Nếu hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, virus có thể tái phát và gây bệnh zona. 

Khi bị zona, bệnh nhân phải đối mặt với những mụn nước, khiến bệnh nhân bị đau đớn. Ngay cả khi mụn nước đã biến mất, cơn đau vẫn có thể xảy ra. Tình trạng này thường xảy ra ở những người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch kém.

Mẹ bầu bị thủy đậu có nguy cơ sinh non

Mẹ bầu bị thủy đậu có nguy cơ sinh non

– Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Mẹ bầu bị thủy đậu có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân và sức khỏe của thai nhi như:.

+ Mẹ bầu có nguy cơ phải đối mặt với những biến chứng như sau:

  • Viêm phổi với những biểu hiện như khó thở, ho, sốt cao, đồng thời có nguy cơ gặp phải những vấn đề về tim mạch. 
  • Tăng nguy cơ sinh non.

+ Biến chứng có thể xảy ra ở thai nhi: 

  • Hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể gây ra những vấn đề như mắt có bất thường, teo não, teo chân tay, trẻ nhẹ cân, dị tật. Trẻ bị thủy đậu bẩm sinh có nguy cơ cao tử vong khi bước sang tuổi thứ 2. 
  • Thủy đậu sơ sinh nghiêm trọng: Là những trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ bị bệnh và mắc bệnh ở mức độ nặng với những triệu chứng như sưng tim, viêm phổi, viêm gan, viêm não và có tỷ lệ tử vong cao. 

4. Phòng ngừa bệnh thủy đậu ở người lớn bằng cách nào?

Để ngăn ngừa nguy cơ bị thủy đậu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau: 

– Tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu theo hướng dẫn của bác sĩ. 

– Tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh thủy đậu.

– Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, chẳng hạn như rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên thay và giặt chăn ga gối, vệ sinh các đồ dùng trong gia đình,…

– Giữ vệ sinh môi trường sống, thường xuyên khử trùng bề mặt tiếp xúc như bàn làm việc, tay nắm cửa, bàn ăn,…

– Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, đặc biệt uống đủ nước, nên tăng cường bổ sung vitamin C, bổ sung kẽm, protein, đồng thời không nên ăn quá nhiều tinh bột và đường.

Trên đây là một số thông tin về bệnh thủy đậu ở người lớn. Khi bị thủy đậu, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để nhanh chóng khỏi bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng. 

Đăng trong Chưa phân loại