BỆNH VIÊM TAI GIỮA CÓ BIẾN CHỨNG KHÔNG, ĐIỀU TRỊ THẾ NÀO?

4 Tháng Tư, 2024

Viêm tai giữa là bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực, bệnh viêm tai giữa sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để biết đó là những biến chứng nào và điều trị ra sao, bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài viết sau đây.

1. Bệnh viêm tai giữa là gì?

Cấu trúc của tai gồm 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Viêm tai giữa là tình trạng viêm xảy ra ở phần tai giữa (phía sau màng nhĩ). Lúc này, các bộ phận trong tai giữa như màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ có hiện tượng sưng, đau, chảy dịch mủ. 

Bệnh viêm tai giữa được chia thành 3 dạng:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Thường xảy ra cùng đợt với bệnh lý đường hô hấp trên, cụ thể là khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng do virus.
  • Viêm tai giữa mạn tính: Tình trạng tai giữa bị viêm trên 12 tuần, có hiện tượng chảy dịch mủ qua lỗ thủng màng nhĩ. 
  • Viêm tai giữa ứ dịch: Tình trạng niêm mạc tai giữa bị viêm và có dịch mủ nhưng dịch mủ không chảy ra ngoài mà ứ lại sau màng tai. Dịch ứ này có nhiều đặc điểm khác nhau, có khi là thanh dịch, cũng có khi là dịch nhầy và dính. 
Bệnh viêm tai giữa khiến người bệnh đau nhức, ù tai, khó nghe

Bệnh viêm tai giữa khiến người bệnh đau nhức, ù tai, khó nghe

2. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm tai giữa

Để điều trị bệnh viêm tai giữa hiệu quả thì cần xác định được nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý này.

Nguyên nhân

Khi cơ thể bị cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn, virus thì cửa mũi sau và vòi nhĩ bị sưng và tắc nghẽn, gây ra tình trạng viêm tai giữa, cụ thể như sau.

  • Vòi nhĩ nối tai giữa với vòm họng có nhiệm vụ điều chỉnh áp suất không khí và thoát dịch tiết bình thường trong tai giữa. Khi vòi nhĩ sưng viêm thì dịch tiết này không thoát ra được mà tích tụ lại trong tai giữa và gây nhiễm trùng.
  • Cửa mũi sau (VA) nằm phía sau mũi, gần vòi nhĩ nên khi bị viêm và sưng thì cũng làm tắc nghẽn vòi nhĩ và nhiễm trùng tai giữa. 

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa có sự khác nhau giữa người lớn và trẻ em.

  • Ở người lớn: Tai bị đau nhức, ù và khó nghe, ngoài ra còn có hiện tượng chảy dịch mủ. 
  • Ở trẻ em: Quấy khóc nhiều, bỏ ăn, khó ngủ, sốt cao, lắc đầu mạnh và lấy tay dụi hoặc bứt tai. Với trẻ lớn, biết nói thì bé sẽ kêu đau tai liên tục kèm dịch mủ chảy ra từ tai. Ngoài triệu chứng này thì trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng. Nhiều trẻ còn bị mất thăng bằng và nghiêng đầu sang một bên. 
Trẻ em bị viêm tai giữa thường bị đau tai kèm đau đầu

Trẻ em bị viêm tai giữa thường bị đau tai kèm đau đầu

3. Biến chứng của bệnh viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa nếu không được điều trị tích cực và để tái phát liên tục thì sẽ gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng này được đánh giá là nguy hiểm, nhất là với trẻ em.

Làm giảm thính giác

Viêm tai giữa nhẹ và điều trị tích cực thì tình trạng mất thính lực hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa nặng, tái phát thường xuyên và không được điều trị tích cực thì sẽ khiến màng nhĩ bị tổn thương nghiêm trọng, làm giảm thính lực hay nguy hiểm hơn là mất thính lực.

Chậm nói hoặc chậm phát triển

Trẻ nhỏ bị bệnh viêm tai giữa nhiều lần có nguy cơ giảm thính lực tạm thời và đối mặt với mất thính lực vĩnh viễn. Và điều này là cực kỳ nguy hiểm vì trẻ sẽ không thể nghe được, kéo theo hệ quả là chậm nói, chậm phát triển, khả năng giao tiếp kém, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này. 

Một trong những biến chứng của bệnh viêm tai giữa là giảm thính lực

Một trong những biến chứng của bệnh viêm tai giữa là giảm thính lực

Thủng màng nhĩ

Viêm tai giữa và thủng màng nhĩ có mối liên hệ mật thiết. Nếu màng nhĩ bị thủng và không tự làm lành trong 72 giờ thì người bệnh cần phải được phẫu thuật, nếu không sẽ có nguy cơ bị mất thính lực. 

Viêm não hoặc màng não

Nhiễm trùng tai không được điều trị hiệu quả và để kéo dài thì sẽ lây lan sang các bộ phận khác, chẳng hạn như xương chũm hay các mô trong hộp sọ. Và hệ quả là não, màng bao quanh não bị viêm và tổn thương, dẫn đến viêm não hoặc màng não cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. 

4. Điều trị bệnh viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa khá phổ biến nhưng người bệnh không được chủ quan do bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng. Do đó, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm tai giữa thì cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Công tác chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa như sau.

  • Bác sĩ dùng đèn soi hoặc thiết bị nội soi để thăm khám bên trong tai. Nếu màng nhĩ bị sưng, căng phồng và có dịch mủ trong hòm nhĩ thì có khả năng tai giữa bị viêm.
  • Bác sĩ chỉ định dùng thuốc, bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm phù nề. Ngoài ra, có thể kê thêm thuốc xịt mũi/ tai và bơm hơi vòi nhĩ. Thời gian sử dụng thuốc từ 1 – 2 tuần hoặc cũng có thể lâu hơn, tùy tình trạng. 
  • Nếu bệnh viêm tai giữa nặng, không đáp ứng với thuốc điều trị và tái phát liên tục do viêm VA, sưng amidan thì bác sĩ sẽ cân nhắc nạo VA, cắt amidan, đặt ống thông khí,… 

Trong và sau khi điều trị bệnh viêm tai giữa, người bệnh cần lưu ý tuân thủ các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để bệnh mau hết và không bị tái phát. Đặc biệt là với trẻ em, nên giữ gìn vệ sinh cá nhân và giữ ấm cẩn thận cho các bé. Tiêm ngừa đầy đủ vắc xin, đặc biệt là vắc xin cúm, vắc xin phế cầu cũng có tác dụng phòng ngừa bệnh viêm tai giữa. Ngoài ra, khuyến khích ăn uống đủ chất và vận động hợp lý để tăng cường sức đề kháng, phòng chống nguy cơ nhiễm trùng.

Đăng trong Chưa phân loại