BIẾN CHỨNG CỦA SỐT XUẤT HUYẾT NGUY HẠI NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI SỨC KHỎE?

11 Tháng Bảy, 2024

Biến chứng của sốt xuất huyết được đánh giá nguy hiểm và khó khăn trong việc kiểm soát. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những tình huống nguy hại đối với sức khỏe.

Sốt xuất huyết và thông tin tổng quan 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân được xác định chủ yếu do virus Dengue. Bệnh phổ biến tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. 

Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, cụ thể thông qua vết muỗi đốt, virus có thể xâm nhập từ người bệnh sang người lành. Với tốc độ lây lan rất nhanh, sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. 

Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết 

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh phải trải qua 3 giai đoạn, cụ thể như sau: 

  • Giai đoạn sốt: 3 – 6 ngày là thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết tính từ lúc bị muỗi mang bệnh đốt đến khi phát bệnh, có trường hợp kéo dài đến 15 ngày. Sau đó, người bệnh xuất hiện các biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 độ C.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Tính từ thời điểm ngày đầu tiên sốt sau 3 – 7 ngày được coi là giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, tuy nhiên xuất hiện thêm các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng kèm nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng đáng lo ngại.
  • Giai đoạn phục hồi: Bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, cơ thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, tiểu cầu trong máu bắt đầu tăng.  

Biến chứng của sốt xuất huyết cần cảnh giác 

Khi mắc sốt xuất huyết, nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí tử vong. 

Biến chứng của sốt xuất huyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe 

Các biến chứng của sốt xuất huyết người bệnh phải đối mặt có thể kể tới như: 

  • Tụt huyết áp: Huyết áp giảm đột ngột gây ra tình trạng đau đầu hoặc khó khăn khi di chuyển có thể gặp phải ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nặng;
  • Suy tim, suy thận: Do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể, sốt xuất huyết gây rối loạn hệ thống tuần hoàn và suy tim. Bên cạnh đó, việc làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu cũng khiến thận bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp;
  • Sốc do mất máu: Người bệnh gặp phải biến chứng sốc do mất máu khiến cơ thể kiệt quệ trong các tình huống như chảy máu cam, chảy máu chân răng, qua vết thương hở…
  • Suy đa tạng: Thường gặp nhất trong biến chứng suy đa tạng là suy gan tối cấp, suy thận, tụt huyết áp, suy tim… khiến người bệnh cần phải cấp cứu và lọc máu liên tục ngay;
  • Tràn dịch màng phổi: Việc truyền dịch nhiều có thể khiến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp. Việc chậm trễ trong điều trị sẽ gât đe dọa đến tính mạng;
  • Sinh non, sẩy thai ở phụ nữ mang thai: Sốt xuất huyết ở phụ nữ đang mang thai rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như sẩy thai, sinh non, thai chết lưu; ngoài ra là tình trạng chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ… ở thai phụ; 
  • Các biến chứng về mắt: Biến chứng về mắt do sốt xuất huyết bao gồm xuất huyết võng mạc và xuất huyết trong dịch kính, đều có khả năng gây mù lòa. 

Cách phòng ngừa biến chứng của sốt xuất huyết 

Để phòng ngừa hiệu quả biến chứng của sốt xuất huyết, người dân không nên bỏ qua những biện pháp sau đây: 

  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ: Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ, việc tự ý sử dụng các loại thuốc không đúng chỉ định, truyền dịch, cạo gió… không được khuyến cáo thực hiện; 
  • Chú ý tới dinh dưỡng cho người bệnh: Người bệnh cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ với các bữa ăn giàu vitamin và khoáng chất; tuyệt đối kiêng thực phẩm nhiều giàu mỡ, chất cay nóng, đồ uống có cồn…
  • Theo dõi sức khỏe chặt chẽ: Người bệnh cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, tái khám theo đúng lịch để đánh giá khả năng tiến triển và hiệu quả điều trị; phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Đặc biệt, việc hạn chế khả năng lây truyền sốt xuất huyết chính là cách thiết thực để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng những việc làm cụ thể như sau: 

  • Hạn chế tối đa khả năng sinh sản của muỗi: Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; vệ sinh và giữ kín các dụng cụ chứa nước; phát quang vườn rậm; thu gom vật dụng phế thải; giữ gìn vệ sinh môi trường…
  • Phòng tránh muỗi đốt: Ngủ màn kể cả ban ngày; mặc quần áo dài khi ra ngoài; sử dụng các loại bình xịt muỗi, vợt bắt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi…
  • Phòng lây lan virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh: Cho người bệnh ngủ trong màn. 

Khi mắc sốt xuất huyết, đa phần người dân sẽ tự chủ động điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với tính chất nguy hiểm và diễn biến khó lường, người dân không nên chủ quan, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong thời gian mắc sốt xuất huyết. 

Đăng trong Chưa phân loại