Biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường

8 Tháng Ba, 2021
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh nội tiết chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng đường glucose máu mạn tính. Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch. Trong số các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến nhất. Nguyên nhân tử vong do căn nguyên tim mạch chiếm tới 70% ở các bệnh nhân ĐTĐ. Chính vì vậy, việc hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ.

Bệnh đang có xu hướng tăng rất nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây và đang trở thành mối quan tâm rất lớn cho toàn xã hội bởi những hậu quả nặng nề do bệnh để lại.

1. Cơ chế biến chứng tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ
Cơ chế quan trọng nhất là bệnh ĐTĐ sẽ gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Lớp nội mạc là lớp tế bào trong cùng của thành mạch, nơi tiếp xúc trực tiếp giữa thành mạch và các thành phần của máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, nó sẽ làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc. Từ đó sẽ hình thành mảng vữa xơ động mạch, hoặc mảng vữa xơ đã hình thành thì tiến triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch, gây nên các biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ quan tổ chức. Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính các tế bào tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch làm tắc mạch cấp tính, gây nên các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu cục bộ cấp tính của tổ chức như cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…đe doạ nghiêm trọng tính mạng người bệnh.
Tuỳ theo vị trí của mạch máu bị thương tổn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu tổn thương động mạch mắt, sẽ gây nên giảm thị lực rồi dẫn đến mù loà. Nếu tổn thương ở động mạch thận sẽ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp. Tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não và tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi, hoại tử đầu chi…).

2. Các yếu tố làm nặng nề thêm biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ

Các yếu tố này khi kết hợp với ĐTĐ sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch lên nhiều lần. Càng nhiều yếu tố kết hợp, tỷ lệ biến chứng tim mạch càng tăng mạnh. Các yếu tố đó gồm:
– Tuổi cao (≥60 tuổi; càng cao tuổi, nguy cơ càng tăng).
– Tăng huyết áp
– Rối loạn lipid máu (tăng cholesterol; triglycerid máu hoặc kết hợp).
– Béo phì (đặc biệt là béo bụng)
– Nghiện thuốc lào, thuốc lá
– Tình trạng ít vận động
– Tiền sử gia đình có người chết vì nhồi máu cơ tim.
Trong số này, có 2 yếu tố không thể tác động được. Đó là tuổi cao và tiền sử gia đình; các yếu tố còn lại đều có thể tác động làm thay đổi được. Chính vì vậy, khi điều trị bệnh ĐTĐ, không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động.
3. Các biểu hiện chủ yếu của bệnh tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ

– Bệnh mạch vành: Đây là căn nguyên tử vong chủ yếu của bệnh lý tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ. Một đặc điểm rất quan trọng phải luôn luôn nhấn mạnh, đó là biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở các bệnh nhân ĐTĐ rất nghèo nàn. Rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi khám kiểm tra sức khoẻ mới tình cờ phát hiện được. Chính vì lý do đó, những bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ phải thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai tráI, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở… Trước tất cảc các dấu hiệu bất thường, dù là rất nhỏ, người bệnh cũng cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch để kịp thời phát hiện và xử trí sớm. Bệnh nhân có thể được chỉ định làm các thăm dò cần thiết để chẩn đoán bệnh mạch vành như ghi điện tâm đồ lúc nghỉ, ghi điện tim liên tục 24 giờ theo phương pháp Holter; siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim và chụp mạch vành bằng máy CT đa dãy (64; 128; 256 hay 320 lát cắt). Khi nghi ngờ có thiếu máu cơ tim, bệnh nhân sẽ được chụp động mạch vành trên máy chụp mạch kỹ thuật số Angiography để phát hiện bệnh động mạch vành và nong, đặt giá đỡ nếu có chỉ định.

– Bệnh lý mạch máu não: Chủ yếu là gặp tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng, cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc có thể tử vong. Các biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ.. Lúc này, làm các xét nghiệm thăm dò mạch máu não như siêu âm Doppler xuyên sọ, lưu huyết não… có thể phát hiện thấy các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não. Khi có biểu hiện lâm sàng bằng các dấu hiệu thần kinh khu trú (bại hoặc liệt chi thể), bệnh nhân cần được chụp căt lớp vi tính (chụp CT sọ não) để chẩn đoán xác định tổn thương là nhồi máu não hay xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.
– Bệnh lý mạch máu ngoại biên: Biểu hiện sớm của tổn thương mạch máu ngoại biên là dấu hiệu “đi cà nhắc cách hồi”, nghĩa là người bệnh thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ; sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu hết đi, bệnh nhân lại có thể tiếp tục đi được cho đến khi lại xuất hiện lại các triệu chứng đau. Lúc đầu, quãng đường đi bộ còn dài, sau đó người bệnh sẽ thấy quãng đường này bị rút ngắn dần. Ngoài ra còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi; sờ mạch có thể thấy mạch mu chân mất hoặc yếu; mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp … Kiểm tra siêu âm Doppler mạch máu sẽ phát hiện thấy các tổn thương mạch máu lớn của chi thể, hoặc chụp động mạch bằng máy CT đa dãy hay máy Angio để phát hiện kịp thời tổn thương động mạch và có các biện pháp điều trị phù hợp.

4. Nguyên tắc điều trị các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ

– Phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu theo khuyến cáo của Hội Nội tiết ĐTĐ Việt Nam: căn cứ vào kết quả xét nghiệm đường máu lúc đói và nồng độ HbA1C. Tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp; nhìn chung phải đảm bảo lượng đường máu lúc đói ≤7,0-7,5 mmol/l và HbA1C ≤6,5-7%. Đây là vấn đề mấu chốt nhất, nếu không kiểm soát tốt được đường glucose máu, sẽ không thể khống chế được các biến chứng của ĐTĐ.
– Điều trị toàn diện, không những điều trị các biến chứng như bệnh mạch vành hay bệnh mạch máu não mà phải kết hợp với xử lý các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, hút thuốc là và rối loạn lipid máu.
– Theo dõi thường xuyên và định kỳ, kịp thời phát hiện các biến chứng để xử trí sớm và triệt để.
Để được cung  cấp thêm thông tin bổ ích hãy liên hệ Trung tâm xét nghiệm Y khoa Dr.Labo.

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.