Các biện pháp phòng ngừa chảy máu mũi trở lại:
- Trẻ cần được nghỉ ngơi ít nhất trong vòng 2 giờ (hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, vẽ tranh hay xem tivi).
- Không cho trẻ uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam.
- Động viên trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ (1 tuần nếu trẻ đã được ‘đốt’ điểm mạch).
- Trong vòng 1 tuần, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng.
- Nếu trẻ bị táo bón thì cho uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Nếu cần thì yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn.
- Có thể làm ẩm niêm mạc mũi bằng kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý.
Nếu chảy máu trở lại:
- Xì mũi để tống hết các khối máu đông ra ngoài.
- Dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào lỗ mũi bị chảy máu.
- Nhắc lại các bước sơ cứu nêu ở phần trên. Thực hiện động tác bóp hai cánh mũi trong vòng 10 phút.
Diễn biến
Phần lớn chảy máu mũi chỉ gây khó chịu chút ít. Trẻ có thể bị vài đợt chảy máu mũi trong vài tuần. Rất hiếm khi trẻ mất máu tới mức gây thiếu máu. Hiện tượng này có thể xảy ra nếu trẻ mất máu nặng nhiều lần trong vòng vài tuần.
Dự phòng
Một khi đã xuất hiện tình trạng chảy máu mũi trước, khu vực này sẽ nhạy cảm hơn nhiều và rất dễ chảy máu trở lại nếu niêm mạc mũi chưa bình phục hoàn toàn. Lúc này vòng xoắn luẩn quẩn sẽ tiếp tục. Từ chỗ vài tuần mới có một lần chảy máu cam, khi niêm mạc mũi bị tổn thương nặng dần, trẻ có thể bị 4-5 lần chảy máu liên tục. Hiện tượng chảy máu cam chỉ ngừng lại khi niêm mạc mũi bình phục. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa chảy máu mũi trước là hết sức quan trọng.
- Giữ cho niêm mạc mũi được ẩm. Có thể bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi. Số lần bôi tùy vào từng trẻ. Nếu bé thường xuyên chảy máu mũi thì cần bôi 2 lần mỗi ngày cho tới khi không còn chảy máu cam trong vài ngày liên tục. Các trường hợp khác có thể bôi khi thấy có nhu cầu.
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Tránh chấn thương vùng vách ngăn mũi.
- Dùng máy phun sương làm ẩm không khí. Chú ý làm vệ sinh máy thường xuyên.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi.
Nếu chảy máu cam dai dẳng, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.