1. Mục đích của xét nghiệm là gì?
Thông thường, các xét nghiệm kháng thể đối với bệnh COVID-19 là để xác định xem một người có khả năng đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó hay không.
Các xét nghiệm kháng thể không được sử dụng để sàng lọc bệnh và không được dùng để xác định có đang bị bệnh COVID-19 hay không. Các cách sử dụng phổ biến nhất của xét nghiệm này bao gồm:
– Xét nghiệm được thực hiện ở những người có các triệu chứng dai dẳng của bệnh COVID-19: Nếu bạn đã có các triệu chứng của COVID-19 trong vài tuần, có thể không còn phát hiện được bằng xét nghiệm kháng nguyên hoặc Realtime PCR. Trong những trường hợp này, xét nghiệm kháng thể có thể giúp chứng minh rằng bạn đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2, điều này có thể giải thích các triệu chứng của bạn và hỗ trợ chẩn đoán bệnh COVID-19.
– Xét nghiệm được thực hiện ở những người có biến chứng tiến triển muộn của bệnh COVID-19: Một số ảnh hưởng sức khỏe của COVID-19 có thể phát triển vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị nhiễm trùng. Nếu bác sĩ nghĩ rằng triệu chứng nhiễm COVID-19 khởi phát muộn sau khi nhiễm virus thì xét nghiệm kháng thể có thể giúp xác định xem bạn có bị nhiễm trước đó hay không.
– Nghiên cứu dịch tễ học: Các xét nghiệm kháng thể có thể cung cấp thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về COVID-19. Ví dụ, xét nghiệm huyết thanh học có thể giúp ước tính có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh. Các xét nghiệm kháng thể cũng có thể được sử dụng để xác định mức độ ảnh hưởng của nhiễm trùng trong quá khứ đến nguy cơ tiến triển bệnh COVID-19 trong tương lai.
Điều quan trọng cần lưu ý là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) không khuyến nghị xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 để cố gắng chứng minh khả năng miễn dịch với bệnh COVID-19 hoặc khả năng bảo vệ sau tiêm vaccine. Xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 không có khả năng đánh giá hiệu quả bảo vệ trong những trường hợp này. Do đó, xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 không nên dùng với mục đích xác định mức độ đề kháng bệnh COVID-19 của một người.
2. Xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2 là gì?
Xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2 được thực hiện trên mẫu máu. Kháng thể SARS-COV-2 là một loại protein miễn dịch, được hệ thống miễn dịch cơ thể sinh ra để phản ứng lại tác nhận gây bệnh, hoặc được sinh ra sau khi tiêm phòng vaccine.
Có 3 loại kháng thể SARS-COV-2 có thể đo lường được trong máu đó là: IgA, IgM và IgG. Mỗi loại kháng thể có vai trò khác nhau trong các giai đoạn nhiễm bệnh.
Mặc dù có 3 loại kháng thể trong máu, nhưng các xét nghiệm hiện nay đều tập trung đo lường thành phần IgG hoặc kháng thể toàn phần (bao gồm cả IgG và IgM).
Kháng thể IgG xuất hiện trong máu sau 1-3 tuần kể từ khi có triệu chứng nhưng có thể tồn tại trong vài tháng. Do đó, chúng thường được xem như là dấu hiệu đáng tin cậy nhất của một bệnh nhiễm trùng trước đó.
3. Khi nào thì tôi nên thực hiện xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2?
Các xét nghiệm kháng thể SARS-COV-2 thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp cụ thể. Thông thường, xét nghiệm được chỉ định khi bạn có các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh COVID-19, nhưng thời điểm nhiễm trùng được cho là đã xảy ra vài tuần hoặc vài tháng trước đó. Trong những trường hợp này, khi bạn thực hiện xét nghiệm Realtime PCR có thể cho kết quả âm tính với SARS-COV-2.
Bạn cũng có thể được xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2 nếu bạn đang tham gia vào một nghiên cứu. Trong tình huống này, bạn sẽ được thông báo chi tiết về mục đích và quy trình của nghiên cứu trước khi xét nghiệm.
Các xét nghiệm kháng thể SARS-COV-2 không được sử dụng để cho biết bạn có miễn dịch với bệnh COVID-19 hay không. Và xét nghiệm cũng không thể chứng minh liệu tiêm phòng vaccine có hiệu quả hay không. Chưa có bằng chứng đầy đủ về mối quan hệ giữa nồng độ kháng thể và khả năng miễn dịch. Vì lý do này, CDC khuyến cáo không nên sử dụng các xét nghiệm kháng thể trong trường hợp này.
Khi tiến hành xét nghiệm kháng thể SARS-COV-2, điều quan trọng là phải xem xét thời gian để hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể. Thường mất vài tuần để phát hiện kháng thể, vì vậy xét nghiệm kháng thể quá sớm sau khi nhiễm trùng có thể không xác định được kháng thể này trong máu. Ngoài ra, mặc dù các kháng thể đã được phát hiện trong khoảng tám tháng sau khi nhiễm bệnh ở một số người, nhưng chúng có thể tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn hơn ở những người khác.
4. Xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2 được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm kháng thể SARS-COV-2 được thực hiện trên mẫu máu. Bạn có thể yêu cầu lấy mẫu máu tại nhà, hoặc tại phòng khám hay các cơ sở y tế có triển khai xét nghiệm này. Máu có thể được lấy từ tĩnh mạch, thông thường khoảng 2 mL.
5. Giải thích kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-COV-2 như thế nào?
Kết quả xét nghiệm của bạn thường được hiển thị dưới dạng âm tính hoặc dương tính. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phòng xét nghiệm có thể trả kèm theo nồng độ độ kháng thể định lượng được là bao nhiêu. Dương tính có nghĩa là đã có kháng thể SARS-CoV-2 trong máu của bạn.
Nói chung, kết quả xét nghiệm dương tính phản ánh đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Ngoài ra, sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 kết quả xét nghiệm cũng có thể dương tính.
Tương tự, một kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 âm tính có nghĩa là không tìm thấy kháng thể này trong máu. Tuy nhiên, nếu thực hiện xét nghiệm trong giai đoạn sớm mới nhiễm bệnh thì kết quả xét nghiệm cũng có thể âm tính. Kết quả xét nghiệm âm tính không đảm bảo rằng bạn chưa bao giờ bị nhiễm COVID-19. Các kháng thể sẽ mất dần theo thời gian và những người đã mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng của COVID-19 có thể sản xuất ít kháng thể hơn. Ngoài ra, một số người không sản xuất các loại kháng thể này sau khi nhiễm COVID-19, nhưng vẫn tạo ra các tế bào miễn dịch khác để phản ứng với nhiễm trùng. Do đó không nên sử dụng xét nghiệm kháng thể âm tính để nhận định rằng chưa từng bị nhiễm COVID-19.
Đối với những người sau khi tiêm vaccine có kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 âm tính, thì đến nay vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ.