Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong trường hợp nhẹ bao gồm:
- Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường.
- Tăng cường uống sữa, nước trái cây, nước cơm và các dung dịch điện giải đẳng trương (Oresol).
- Uống paracetamol để hạ sốt. Liều lượng uống theo hướng dẫn sử dụng, thường là 4gr/ngày đối với người lớn. Còn với trẻ em sẽ tính theo cân nặng của bé.
- Chườm ấm.
Người bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận
Lưu ý, người bệnh không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen,… Nếu chẳng may đã uống, cần đến gặp bác sĩ.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng với người bệnh. Tùy vào diễn biến bệnh mà cung cấp chế độ ăn uống phù hợp, nhưng phải đảm bảo:
- Tăng lượng protein, nhất là những protein có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, trứng, sữa,…
- Tăng tỷ lệ đường đơn, đường đôi (có trong sữa, nước trái cây) và lipid thực vật để cung cấp năng lượng cho cơ thể người bệnh vì lúc này cơ thể người bệnh đang suy nhược, mệt mỏi, rất cần năng lượng để hoạt động.
- Không ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Điều này vừa tránh gây cảm giác khó chịu khi ăn, vừa tốt cho tiêu hóa của người bệnh. Theo đó, người lớn có thể ăn 4 – 6 bữa/ngày, còn trẻ em thì chia nhiều hơn, khoảng 6 – 8 bữa/ngày.
- Ưu tiên cho những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như mì, cháo, súp,…
Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng
Quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường khác. Khi đã áp dụng các cách chăm sóc trên nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng nặng, nghi bị xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc xuất huyết Dengue nặng thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Đặc biệt với trẻ em, nếu bé bắt đầu bị chảy máu cam, đi ngoài ra máu, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức, lơ mơ, co giật, tím tái người, khó thở,… thì gấp rút đưa đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để được điều trị, tránh các trường hợp xấu xảy ra.