Hầu như trẻ sơ sinh từ 0 đến 1 tuổi nào cũng có thể bị táo bón. Tình trạng này làm bé dễ quấy khóc, khó chịu, mệt mỏi, khiến bố mẹ càng thêm lo lắng. Lúc này, ba mẹ có thể tham khảo một số cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh nào an toàn, hiệu quả sau đây.
1. Triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau kéo dài ít nhất 1 tháng thì sẽ xem là đang bị táo bón, cụ thể:
- Đi tiêu ít hơn 2 lần/ tuần.
- Ít nhất 1 lần đi tiêu không tự chủ sau giai đoạn trẻ tự lập, đi toilet.
- Tiền sử ứ đọng phân quá mức.
- Tiền sử đau hoặc khó khăn khi đi đại tiện khi phân cứng.
- Hiện diện khối phân to trong trực tràng.
- Tiền sử có khối phân to gây tắc nghẽn toilet.
Táo bón ở trẻ sơ sinh khiến bé khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn
2. Nguyên nhân gây táo bón
Thực tế, do hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề tiêu hóa, bao gồm táo bón như:
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ: Chế độ ăn của mẹ đang cho con bú bị thiếu chất xơ, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, ăn nhiều đạm, protein,… dễ khiến trẻ khó hấp thu sữa mẹ. Từ đó dẫn đến hiện tượng trẻ bị khó tiêu, táo bón
- Sữa công thức không phù hợp: Đối với trẻ sơ sinh dùng sữa công thức dễ bị táo bón hơn so với bé dùng sữa mẹ. Bởi vì hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện của bé có thể không phù hợp với thành phần có trong sữa công thức. Hoặc một số trường hợp bé đang bú sữa mẹ và bắt đầu chuyển sang sữa công thức cũng có thể khiến táo bón trong quá trình thích nghi với loại sữa mới. Ngoài ra, tỷ lệ nước khi pha sữa không đúng, cụ thể như bị quá đặc có thể khiến bé bị khó tiêu, táo bón.
Cơ địa trẻ sơ sinh không phù hợp với thành phần sữa công thức gây táo bón
- Một số trẻ sơ sinh đang điều trị bằng thuốc kháng sinh có tác dụng phụ là gây mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi cho tiêu hoá của bé. Từ đó, bé có thể gặp triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón,…
3. Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả
Khi trẻ bị táo bón thường quấy khóc, khó chịu vì thế việc xử lý tại nhà của bố mẹ rất cần thiết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của con. Một số cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả bố mẹ có thể tham khảo như:
3.1. Tăng cường cho trẻ bú và bổ sung nước
Táo bón là một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể của bé sơ sinh đang bị thiếu nước. Với trẻ dưới 6 tháng thì mẹ nên ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, đồng thời trong giai đoạn bị táo bón thì tăng cường cho bé bú nhiều hơn. Còn với trẻ trên 6 tháng tuổi khi bắt đầu ăn dặm hoặc sau khi cai sữa mẹ dễ bị thiếu hụt lượng nước trong cơ thể. Chính vì thế, bố mẹ cần lưu ý bổ sung nước cho trẻ bằng nước lọc hoặc nước ép hoa quả.
3.2. Đổi sữa công thức cho bé
Trường hợp xác định sữa công thức là nguyên nhân khiến trẻ gặp vấn đề tiêu hoá thì bố mẹ cần thay đổi loại sữa khác càng sớm càng tốt. Khi lựa chọn sữa công thức bố mẹ nên luu ý các thành phần có trong sữa nên được bổ sung thêm chất xơ, probiotics,… giúp hỗ trợ tiêu hoá cho bé.
Ngoài ra, bố mẹ nên pha sữa theo đúng tỉ lệ được khuyến cáo của nhà sản xuất, không tự ý pha loãng sữa ngoài hướng dẫn.
3.3. Điều chỉnh chế độ ăn của mẹ
Đối với bé đang bú sữa mẹ thì cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh chính là mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày. Bởi vì thành phần trong sữa là dinh dưỡng được hấp thụ từ các loại thức ăn mẹ dùng trong bữa ăn. Trong trường hợp này, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, tăng cường rau xanh, trái cây, đồng thời hạn chế ăn nhiều đạm, canxi.
Mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ khi cho con bú để trẻ tránh bị táo bón
3.4. Tăng cường thực phẩm giàu xơ khi ăn dặm
Việc cân bằng dinh dưỡng trong thực đơn ăn dặm là điều ba mẹ cần lưu ý để tránh trẻ bị thiếu chất xơ dẫn đến táo bón. Một số thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích nên có trong thực đơn ăn dặm của trẻ như: súp lơ, bí đỏ, khoai lang, cà rốt, đu đủ, chuối,… Bên cạnh đó, việc kết hợp cho trẻ ăn thức ăn thô và nước luộc rau củ cũng là cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả trong quá trình ăn dặm.
3.5. Massage bụng giúp trẻ thư giãn
Có một số phương pháp massage bụng cho trẻ sơ sinh sẽ giúp thư giãn đường ruột cũng như hỗ trợ quá trình đưa phân ra ngoài hiệu quả hơn. Mỗi ngày, bố mẹ nên thực hiện thao tác massage bụng từ 10 – 15 phút để giúp bé thoải mái, dễ chịu và tránh bị đầy hơi, táo bón. Chỉ cần thực hiện lặp lại vài động tác cơ bản như:
- Người lớn nên xoa tay hoặc dùng dầu khuynh diệp để làm ấm lòng bàn tay.
- Đặt tay lên bụng bé và giao tiếp để thông báo cho bé rằng bố mẹ sẽ massage bụng cho con, giúp con làm quen với hoạt động này.
- Sử dụng các đầu ngón tay đặt lên phần trên rốn và di chuyển theo hình tròn cùng chiều kim đồng hồ theo hướng từ rốn xuống đại tràng.
- Dùng 2 ngón tay cái để vuốt từ lồng ngực qua rốn và đến đại tràng.
Massage bụng giúp tăng nhu động ruột và thư giãn hệ tiêu hoá của bé
Trong quá trình massage bố mẹ nên quan sát phản ứng của bé để điều chỉnh lực phù hợp, đồng thời thường xuyên tương tác để bé không bị căng thẳng, khó chịu.
3.6. Chườm ấm hậu môn
Khi trẻ bị táo bón, hậu môn thường xuất hiện tình trạng bị co lại và một số bé có thể khó chịu khi bố mẹ chạm vào khu vực này do rặn quá nhiều. Trường hợp này, bố mẹ có thể sử dụng khăn vải mềm nhúng vào nước ấm, vắt khô và chườm lên hậu môn bé khoảng 10 – 15 phút. Điều này sẽ giúp nhóm cơ ở hậu môn bé được thư giãn và giảm căng thẳng từ đó hỗ trợ quá trình đẩy phân ra ngoài tốt hơn.
3.7 Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ
Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh ở phần trên thường được khuyến cáo áp dụng đối với các bé mới bị táo bón lần đầu hoặc có cải thiện sau khi bé được bố mẹ hỗ trợ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi bố mẹ đã áp dụng các phương pháp hỗ trợ nhưng tình trạng không thuyên giảm hoặc nghiêm trọng hơn như bé mệt mỏi, mất sức, quấy khóc, bụng căng cứng,…
Bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ khi tình trạng táo bón nghiêm trọng