Chuột rút là tình trạng co thắt không kiểm soát ở các cơ. Chuột rút có thể gây nguy hiểm nếu đang bơi dưới nước, đang lái xe, ngồi gần bếp lửa,… Người bị chuột rút nên làm gì để thoát khỏi tình trạng này? Cùng tham khảo biện pháp xử lý khi bị chuột rút.
1. Chuột rút là gì?
Chuột rút là hiện tượng co thắt không kiểm soát ở các cơ, đặc biệt là cơ bắp chân, bàn chân hoặc bắp đùi. Chuột rút bàn chân, bắp chân thường xảy ra vào ban đêm. Theo khảo sát, có tới 60% người lớn và 7% trẻ em bị chuột rút khi ngủ. Các cơ căng lên sẽ gây khó chịu, đau đớn ở vùng cơ bị chuột rút. Ngoài đau đớn, chuột rút vào ban đêm còn gây ra nhiều vấn đề khác như làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không ngon,… khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Các nguyên nhân phổ biến và yếu tố nguy cơ gây chuột rút gồm: mỏi cơ, lười vận động, uống không đủ nước, ngồi hoặc nằm một tư thế liên tục trong thời gian dài, người lớn tuổi (trên 50 tuổi), mang thai, tác dụng phụ của một số loại thuốc, ăn uống thiếu chất, không khởi động trước khi tập luyện, mang giày không thoải mái, mắc một số bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, tiểu đường, suy gan, suy thận, suy giáp, rối loạn sử dụng rượu,hẹp ống sống thắt lưng, viêm xương khớp, tổn thương hoặc rối loạn thần kinh,…).
2. Bị chuột rút nên làm gì?
Nếu bị chuột rút, người bệnh cần bình tĩnh thả lỏng cơ thể để làm giảm mức độ chuột rút. Sau đó, có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà như:
- Duỗi cơ nhẹ nhàng. Sau đó, kéo căng chân bằng cách đứng thẳng, uốn cong chân ở đầu gối, kéo ngược chân về phía bụng, giữ gót chân hoặc mắt cá chân. Để giữ thăng bằng, người bệnh có thể ngồi trên ghế hoặc dựa vào tường. Nếu bị chuột rút bắp chân, bệnh nhân nên đứng lên, đưa chân bị chuột rút về phía trước, hơi cong đầu gối, tỳ trọng lượng cơ thể lên chân bị chuột rút, giữ yên trong khoảng 20 – 30 giây là được;
- Dùng tay massage vùng bị chuột rút để giảm căng cơ. Bệnh nhân có thể xoa bóp, vuốt vùng cơ bị chuột rút để làm da ấm lên. Thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng từ vùng cơ xung quanh tới vùng bị đau. Bệnh nhân có thể sử dụng con lăn massage hoặc bóng tennis để xoa bóp vùng bị chuột rút. Người bệnh cũng có thể day ấn huyệt Thừa sơn ở sau bụng bắp chân cả 2 bên bắp chân cùng lúc;
- Chườm lên vùng cơ bị chuột rút bằng túi nước ấm, chai nước nóng hoặc khăn ấm. Nhiệt giúp cải thiện lưu lượng máu, loại bỏ tình trạng căng cơ và đau hiệu quả. Ngoài ra, tắm nước nóng cũng giúp thư giãn cơ bắp và giảm chuột rút;
- Uốn cong ngón chân: Là biện pháp đơn giản nhất để xử lý khi bị chuột rút ở bàn chân và ngón chân. Theo đó, người bệnh chỉ cần nắm bàn chân hoặc các ngón chân rồi kéo căng hết cỡ. Biện pháp này có thể khá đau nhưng rất hiệu quả, giúp bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chuột rút;
- Đi chân trần trên sàn nhà: Người bệnh có thể đi chân trần, cử động các ngón chân, tì ngón chân lên sàn nhà và kéo căng ngón chân ra để tăng tốc độ lưu thông máu, từ đó giảm chuột rút hiệu quả hơn;
- Nếu bị co rút ở bắp đùi: Nên nhờ người bên cạnh kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống;
- Nếu bị co rút cơ xương sườn: Cần xoa bóp nhẹ nhàng các bắp thịt quanh lồng ngực, hít thở sâu, thả lỏng người để tăng cường lượng máu lưu thông qua vị trí này;
- Sử dụng thuốc: Vitamin E, thuốc thư giãn cơ,… để điều trị co rút cơ;
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid giúp làm giảm cơn đau do chuột rút (nhưng không thể điều trị chuột rút bởi tình trạng này không liên quan tới yếu tố viêm nhiễm).
Các vận động viên bị chuột rút có thể chích cơ bắp. Theo đó, họ sẽ sử dụng một cây kim, chích vào vị trí bị chuột rút. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần được thực hiện bởi người có chuyên môn, đảm bảo không bị nhiễm trùng.
3. Biện pháp ngăn ngừa chuột rút
- Ăn uống đủ chất: Cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là canxi, kali, natri và magie,…;
- Thực hiện các bài tập nhẹ: Nếu thực hiện một số bài tập nhẹ vào cuối ngày thì có thể giảm nguy cơ mắc phải các cơn chuột rút. Các bài tập đó có thể là đi bộ, đạp xe trước khi ngủ;
- Uống nhiều nước: Nước giúp vận chuyển các dưỡng chất tới cơ bắp và mang chất thải ra khỏi cơ bắp. Vì vậy, uống đủ nước trong suốt cả ngày có thể ngăn ngừa được tình trạng chuột rút, giữ cho cơ bắp luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất. Trong những ngày nắng nóng hoặc khi lao động thể lực nhiều, cơ thể đổ nhiều mồ hôi thì nên uống thêm nước điện giải;
- Khởi động kỹ trước và sau khi tập thể dục, chơi thể thao;
- Giữ ấm: Khi đi ngủ cần giữ ấm cơ thể, tránh quạt lạnh vào chân và khi đi bơi cần tránh tiếp xúc với nước lạnh một cách đột ngột;
- Điều trị hiệu quả các bệnh là nguyên nhân gây chuột rút;
- Mang giày, dép vừa chân: Đi giày, dép phù hợp và thoải mái sẽ giảm được nguy cơ mắc các cơn chuột rút bàn chân.
Nếu tình trạng chuột rút xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày và các phương pháp điều trị tại nhà không có tác dụng, chuột rút lan sang các cơ vùng khác, ngày càng nghiêm trọng hơn,… thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được xác định nguyên nhân chính xác và có phương hướng điều trị phù hợp.
Thông thường, chuột rút khi ngủ không kéo dài và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, bơi lội,… thì có thể gây tai nạn, thậm chí tử vong. Do vậy, mỗi người nên áp dụng những biện pháp nêu trên để phòng ngừa tình trạng co cơ chuột rút, kết hợp với một chế độ dinh dưỡng cân bằng, không sử dụng chất kích thích,…