Giãn tĩnh mạch tinh gây ra nhiều bất tiện và làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục ở nam giới. Nhiều người còn lo ngại về việc căn bệnh này có thể gây vô sinh nam. Để tìm hiểu về giãn tĩnh mạch tinh và kiểm chứng thông tin nêu trên là đúng hay sai, mời quý độc giả cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Giãn tĩnh mạch tinh và những thông tin cơ bản
Giãn tĩnh mạch tinh xảy ra ở 1 hay cả 2 bên tinh hoàn. Bệnh xảy ra khi những tĩnh mạch bên trong thừng tinh giãn và rộng hơn, thậm chí có thể quan sát bằng mắt thường.
Nam giới mắc bệnh thường bị đau tức vùng bìu
Nguyên nhân có thể là do hoạt động bất thường của các van tĩnh mạch nhỏ trong bìu gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu, dẫn đến ứ đọng máu và gây giãn tĩnh mạch. Ở một số trường hợp hiếm gặp, do sự tắc nghẽn tĩnh mạch lớn ở vùng bụng cũng có thể gây áp lực và làm giãn tĩnh mạch tinh.
Triệu chứng bệnh dễ gặp phải là đau nhẹ, tức nặng bìu. Cơn đau thường tăng mức độ vào buổi chiều, hoặc khi bệnh nhân làm việc quá sức, đứng quá lâu, ngồi nhiều,…
2. Giãn tĩnh mạch tinh có gây vô sinh không?
Bệnh suy giảm hoạt động của tinh hoàn và chất lượng tinh trùng, từ đó tác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phái mạnh. Tuy nhiên, không phải cứ mắc căn bệnh này là sẽ bị vô sinh nam.
Giãn tĩnh mạch tinh khiến chất lượng tinh trùng ngày càng kém
Về vấn đề giãn tĩnh mạch tinh có gây vô sinh không, câu trả lời còn phụ thuộc và nhiều yếu tố, đặc biệt là mức độ bệnh của mỗi người. Dưới đây là một số dẫn chứng cho thấy rằng, giãn tĩnh mạch thừng tinh không trực tiếp gây vô sinh nhưng có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới:
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến gây ra ứ máu ngay tại tinh hoàn và có thể gây ngộ độc tinh trùng.
– Tăng nhiệt độ ở tinh hoàn trong thời gian dài cũng làm giảm số lượng tinh trùng và khiến tinh trùng yếu hơn.
– Giãn tĩnh mạch tinh cũng gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu từ động mạnh đến tinh hoàn. Như vậy, tinh hoàn không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và lượng oxy cũng giảm đi sẽ làm giảm quá trình sinh tinh. Đồng thời, chất lượng tinh trùng cũng giảm đi rất nhiều.
– Bệnh có thể khiến rối loạn nội tiết tố và làm giảm quá trình sản sinh tinh trùng ở nam giới.
3. Điều trị giãn tĩnh mạch tinh
Tùy từng bệnh nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị. Cụ thể như sau:
– Theo dõi: Nếu bệnh không quá nghiêm trọng, không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, không gây đau và không làm giảm sức khỏe sinh sản của người bệnh thì không cần phải phẫu thuật ngay. Những trường hợp này sẽ được theo dõi trong một thời gian và bác sĩ sẽ can thiệp điều trị khi thấy cần thiết.
– Phẫu thuật: Khi bệnh nghiêm trọng, khiến bệnh nhân bị đau tức và rất khó chịu ở vùng bìu, đồng thời tĩnh mạch bị giãn ngoằn ngoèo khiến nam giới tự ti, hoặc người bệnh đang khó có con thì bác sĩ sẽ có thể chỉ định phẫu thuật hay thực hiện các thủ thuật khác để cải thiện tình trạng bệnh.
Có thể thắt tĩnh mạch thừng tinh ở phía trên hoặc xung quanh tinh hoàn. Phẫu thuật này thường kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ và sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể về luôn trong ngày. Khi mổ, bác sĩ có thể dùng thuốc gây tê tủy sống hoặc gây mê và người bệnh sẽ không bị đau, do đó, nam giới không nên quá lo lắng khi được chỉ định phẫu thuật.
Người bệnh dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ
Sau phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý:
+ Sau mổ khoảng 48 giờ, người bệnh có thể quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng. Tuyệt đối không nên khiêng vác nặng, làm việc quá sức và không nên quan hệ tình dục.
+ Sau khoảng 5 đến 7 ngày, người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường, bao gồm cả việc chơi thể thao.
+ Sau khoảng 24 giờ sau mổ, người bệnh có thể tắm. Lưu ý, trong vòng 5 ngày sau mổ, không tắm bằng xà phòng hoặc ngâm mình trong bồn tắm.
+ Một số trường hợp, vết mổ có thể bị đau nhẹ hoặc rỉ một chút dịch hay sưng bìu nhẹ. Có thể dùng bông hay gạc để đắp lên vết mổ.
+ Sau mổ, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và người bệnh cần thực hiện dùng thuốc giảm đau theo đúng chỉ định trong vòng 48 tiếng sau mổ. Sau đó, nếu đau nhiều, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được dùng thuốc giảm đau đúng cách.
+ Sau 2 tuần, bệnh nhân cần đến viện để được tái khám.
+ Ba tháng sau mổ: Nam giới sẽ được thử tinh dịch đồ, làm xét nghiệm để đếm số lượng tinh trùng. Thông thường, trong lần kiểm tra đầu tiên, số lượng tinh trùng của người bệnh chưa được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, ở những lần kiểm tra sau, số lượng tinh trùng sẽ tăng dần.
+ Hậu quả không mong muốn: Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh cũng giống như các loại phẫu thuật khác, vẫn tồn tại những nguy cơ rủi ro nhất định, chẳng hạn như nguy cơ chảy nhiều máu, nhiễm trùng, tụ dịch, tái phát bệnh, teo tinh hoàn,…
Do đó, sau phẫu thuật, bạn nên đi khám nếu có những biểu hiện như đau kéo dài, mặc dù dùng thuốc giảm đau nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, vết mổ bị bầm tím hoặc thâm đen, chảy nhiều máu từ vị trí mổ, có mùi hôi từ vết mổ, bìu sưng to bất thường, sốt trên 38 độ C và kèm theo biểu hiện lạnh run,..
Như vậy, giãn tĩnh mạch tinh là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Khi có biểu hiện bệnh, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.