Trẻ em là đối tượng rất dễ bị cúm do hệ miễn dịch yếu và chưa biết cách giữ gìn vệ sinh thân thể. Do các triệu chứng của cúm khá giống với cảm lạnh nên nhiều bố mẹ nhầm lẫn và sai lầm trong việc điều trị. Vậy nên làm thế nào khi trẻ em bị cúm?
1. Tổng quan về bệnh cúm
Để biết được nên làm thế nào khi trẻ em bị cúm thì bạn cần hiểu rõ đây là bệnh gì, do nguyên nhân nào với các triệu chứng ra sao.
Bệnh cúm là gì?
Bệnh cúm là một trong những bệnh đường hô hấp rất thường gặp. Cụ thể, virus cúm, bao gồm virus cúm A, virus cúm B, virus cúm C tấn công và xâm nhập vào đường hô hấp sẽ gây ra bệnh. Đa số các trường hợp bị cúm là lành tính, người bệnh có thể khỏi sau 3 – 7 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch hay mắc bệnh mãn tính thì bệnh có thể kéo dài và gây biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng hơn là tử vong.
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, rất dễ lây
Nguyên nhân gây bệnh cúm
Như đã nói ở trên, bệnh cúm do virus cúm gây ra. Đặc biệt, bệnh có tính lây nhiễm cao, chỉ cần tiếp xúc gần với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, bắt tay hoặc đứng gần người bệnh và người bệnh ho, hắt hơi là bạn có thể bị lây nhiễm bệnh.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nhiễm cúm nếu sờ vào các đồ vật, bề mặt có dính dịch tiết chứa virus của người bệnh. Nguy hiểm hơn là người bị cúm trong thời gian ủ bệnh, trước khi có triệu chứng bệnh 1 ngày hoặc sau khi đã phát bệnh 5 – 7 ngày vẫn có khả năng làm lây nhiễm bệnh.
Triệu chứng của bệnh cúm
Các triệu chứng của cúm với cảm lạnh khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu để ý thì bạn sẽ thấy triệu chứng của cảm lạnh diễn ra một cách từ từ, trong khi đó, triệu chứng của cúm khởi phát và diễn tiến nhanh, sau 2 – 3 ngày tiếp xúc với virus.
- Sốt cao, từ 39 – 41 độ C, đặc biệt là trẻ em sốt cao hơn người lớn.
- Hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho.
- Ớn lạnh, toát nhiều mồ hôi.
- Đau đầu, tức ngực, khó thở.
- Toàn thân nhức mỏi.
- Mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.
Trẻ bị cúm có triệu chứng sốt cao, sổ mũi, đau họng, ho, mệt mỏi
2. Làm thế nào khi trẻ em bị cúm?
Trẻ em rất dễ bị lây nhiễm cúm, đặc biệt là với trẻ đang đi học do các bé trò chuyện, vui chơi và chơi chung đồ chơi với các bạn cùng lớp đang bị bệnh. Vậy nên làm thế nào khi trẻ em bị cúm?
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị cúm
Bạn cần phân biệt và nhận biết trẻ bị cúm với cảm lạnh thông thường. Nếu là cảm lạnh thông thường thì trẻ ít khi bị sốt, chủ yếu là sổ mũi và ho. Trong khi đó, trẻ bị cúm sẽ sốt cao, đau đầu, nhức mỏi khiến bé quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn. Một số bé còn bị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy. Nếu bạn chăm sóc bé tốt thì các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 5 – 7 ngày và có thể khỏi hoàn toàn sau 10 – 14 ngày.
Đưa bé đến gặp bác sĩ
Nếu trẻ bị cúm và các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng như không hạ sốt sau khi dùng thuốc, khó thở, li bì, nôn ói và tiêu chảy nhiều, bỏ ăn nhiều ngày, có dịch trong tai, mắt bị sưng đỏ và có gỉ,… thì bạn cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Bé sốt cao khó hạ, mệt mỏi, lừ đừ thì cần cho bé đến gặp bác sĩ
Điều trị cúm cho trẻ
Điều trị cúm cho trẻ như thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ cho dùng hạ sốt sau mỗi 4 – 6 giờ, liều dùng theo cân nặng của trẻ. Đồng thời, tăng cường bổ sung nước và điện giải vì sốt cao, nôn ói và tiêu chảy có thể làm bé mệt mỏi, đừ người do mất nước.
Với trường hợp nặng hơn và có nguy cơ biến chứng thì trẻ có thể được chỉ định nhập viện, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm kiếm nguyên nhân và theo dõi diễn tiến bệnh. Nếu xảy ra bội nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ có thể cho bé dùng (uống, tiêm, truyền) kháng sinh.
Chăm sóc trẻ bị cúm
Làm thế nào khi trẻ em bị cúm để bé nhanh khỏi? Đó là bạn hãy tích cực chăm sóc bé theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Theo đó, bạn cần cho bé dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát để cơ thể hạ nhiệt. Nếu bé có biến chứng ở tai, mắt thì hãy dùng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ các bộ phận này, tránh để nhiễm trùng.
Làm thế nào khi trẻ em bị cúm? Hãy tích cực chăm sóc bé
Trong bữa ăn hàng ngày, nên cho bé ăn các món loãng, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa. Nếu bé không muốn ăn, đừng ép bé mà hãy chia nhỏ bữa ăn và chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Đối với các bé lớn, bạn hãy hướng dẫn con rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi,… đặc biệt là không được đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Trong thời gian trẻ điều trị cúm, nên hạn chế cho bé tiếp xúc với mọi người để tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, tạm thời cho bé nghỉ học đến khi bé hồi phục hoàn toàn, đảm bảo có sức khỏe tốt để tiếp tục việc học và không làm lây nhiễm bệnh sang các bạn khác.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mở các cửa sổ để không gian sống được thông thoáng. Đây vừa là cách giúp bé mau khỏi bệnh, vừa phòng ngừa được nhiều bệnh lý về hô hấp khác.