Một số lưu ý khi dùng thuốc kháng virus, kháng đông và kháng viêm

11 Tháng Hai, 2022
  • Khi nào thì dùng thuốc kháng virus (ức chế sự nhân lên của virus).
  • Khi nào thì dùng thuốc kháng đông (thực ra là ngừa đông máu).
  • Khi nào dùng thuốc kháng viêm (corticoids).

Lưu ý này áp dụng cho các loại thuốc uống và đối với các F0 tại nhà các bạn nhé. Với các trường hợp phải điều trị tại bệnh viện, có thể sẽ khác.

1. Thuốc kháng virus

Chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Lý do tại sao xin đọc phần giải thichs ở sau. Mỗi đợt nên dùng 5-10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm.

Khi đang dùng thuốc kháng virus, thì KHÔNG ĐƯỢC dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoids.

2. Thuốc kháng đông

Thực ra, khá nhiều bệnh nhân có bệnh nền đang dùng thuốc kháng đông. Các bệnh nhân có bệnh về van tim, bệnh tiểu đường, bệnh xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động… đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông từ đó gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Với các bệnh nhân này thì dù có nguy cơ Covid hay không, đều cần dự phòng bằng việc uống thuốc kháng đông hàng ngày.

Do vậy, trên các bệnh nhân có nhiều bệnh nền, nếu chưa dùng thuốc kháng đông, cần xem xét việc sử dụng sớm thuốc ức chế kết tập tiểu cầu (aspirin và/hoặc clopidogrel).Đối với người bình thường thì sao? Thuốc kháng đông có nguy cơ gây chảy máu, do đó những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt…), những người bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu…) không được dùng để dự phòng.

Người bình thường nào dùng? Khi SpO2 xuống dưới 95% và/hoặc khó thở. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng khó thở là do căng thẳng, do tâm lý nên cần thận trọng khi tự đánh giá mình có khó thở hay không.

Về cơ bản, nếu không có chống chỉ định thì dùng thuốc kháng đông khá an toàn. Tuy nhiên, tất cả các bạn đều nên nhắn tin sms hoặc gọi điện cho BS (trong danh sách ghim ở đầu group) trước khi dùng. Trong trường hợp không thể gọi ngay thì có thể uống 1 liều, sau đó bắt buộc phải có sự hướng dẫn của BS.

3. THUỐC KHÁNG VIÊM

Dexamethasone 0,5mg x 12 viên, hoặc

Methylprenisolon 16mg x 1v uống sau khi ăn.

Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất, và lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì KHÔNG ĐƯỢC DÙNG thuốc kháng viêm.

Lý do, thuốc kháng viêm, ở đây là corticoids là nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.

Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên, dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên. Tuyệt đối không dùng giai đoạn này các bạn nhé.

Thuốc kháng viêm nhiều tác dụng phụ, các bạn có thể search Google “tác dụng phụ của corticoids” sẽ thấy rất nhiều.

Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoids còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm…Corticoids làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.

Vậy khi nào dùng? CHỈ DÙNG khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống.

Việc dùng corticoids nhiều BS cũng phải rất thận trọng, do vậy, BS Hoàng khuyến cáo, F0 tại nhà KHÔNG NÊN tự ý dùng. Bắt buộc phải hỏi ý kiến BS trước khi dùng.Corticoids chỉ có tác dụng khi Covid ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cao trên các tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu CHỐNG CHỈ ĐỊNH dùng corticoids khi người bệnh chưa đến mức nhập viện.

4. Phần giải thích

Lý do tại sao BS lại đưa ra các lời khuyên này, mời các bạn tìm hiểu sơ bộ về cơ chế gây bệnh Covid.

– Đầu tiên, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp, sau đó, virus nhân lên trong các tế bào, thoát ra khỏi tế bào và xâm nhập các tế bào khác, cứ thế… Đây gọi là thời gian ủ bệnh.

– Sau khi virus nhân lên với số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây ra SỐT. Lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng.Trong giai đoạn này, ngoài sốt có thể xuất hiện các triệu chứng khác như ho khan, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ xương khớp, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác/vị giác… Người bệnh có thể bị lo lắng, căng thẳng, ăn ngủ kém.Virus có thể tiếp tục nhân lên trong khoảng 5-7 ngày nữa, và sau đó giảm dần, do bị hệ miễn dịch của cơ thể chống lại (một số người khi xuất hiện triệu chứng thì virus đã ngừng nhân lên và giảm dần rồi). Nếu hệ miễn dịch không ngăn cản được sự nhân lên của virus thì diễn biến tiếp theo sẽ rất nặng và chắc chắn phải nhập viện.Đối với các F0 có thể ở nhà, thì sau khi có triệu chứng sốt, virus chỉ nhân lên trong vòng 5-7 ngày, sau đó giảm dần.

* Tại sao một số người diễn biến nặng, thậm chí không qua khỏi?

Trong khoảng thời gian 7-10 ngày sau khi khởi phát, một số người lại bắt đầu có những diễn biến nặng hơn, với 2 rối loạn/biến chứng quan trọng:

– Rối loạn đông máu: hình thành các cục máu đông trong các mạch máu nhỏ ở phổi, và tiếp theo có thể tạo các cục máu đông ở tất cả các cơ quan.

– Rối loạn đáp ứng miễn dịch gây viêm và tăng tiết dịch, phá hủy tổ chức, đầu tiên ở phổi sau đó đến toàn bộ các cơ quan. Tình trạng này gây ra suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng khác.

Trong 2 vấn đề, rối loạn đông máu và rối loạn đáp ứng miễn dịch, hiện vẫn chưa thật rõ là rối loạn nào xảy ra trước, và cái nào là nguyên nhân gây ra cái kia. Các rối loạn này được chỉ ra là do cơn bão cytokin, khi các yếu tố miễn dịch được kích hoạt quá mạnh, mất kiểm soát, gây hại đến chính cơ thể người bệnh.

Như vậy,Để điều trị Covid, ngoài việc điều trị triệu chứng, hiện chúng ta có một số loại thuốc uống để “đánh” vào 3 mắt xích nói trên:

– Đánh vào quá trình nhân lên của virus: dùng thuốc kháng virus.

– Đánh vào quá trình đông máu: dùng thuốc ngăn ngừa đông máu.

– Đánh vào quá trình rối loạn miễn dịch: dùng thuốc kháng viêm corticoids.

5. Các loại thuốc kháng virus, kháng viêm, kháng đông tại VN hiện nay

– Về thuốc kháng virus: Chúng ta có favipiravir 200/400mg, molnupiravir 200/400mg (do Merck nghiên cứu) và nirmartrelvir/ritonavir (Paxlovid do Pfizer nghiên cứu). Các thuốc khác (đường uống) về cơ bản là không có mấy tác dụng.

Trong các thuốc này, FDA Mỹ đã thông qua việc cấp phép khẩn cấp cho molnupiravir và nirmatrelvir/ritonavir để trị Covid nhẹ và vừa.Tại Việt Nam thì có molnupiravir đang được dùng trong chương trình thử nghiệm, nên không bán công khai mà được phát miễn phí cho các F0 đủ điều kiện và bắt buộc phải tuân thủ nghiêm theo quy trình. Nirmatrelvir/ritonavir thì hiện chưa có tại Việt Nam.

Về favipiravir, ngày 12/12 vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về cách dùng, liều lượng, chống chỉ định. Tuy nhiên, mua ở đâu thì chưa có hướng dẫn.

– Về thuốc kháng đông:Thực ra khi đã hình thành cục máu đông rồi thì các thuốc kháng đông không có tác dụng (các bạn có người nhà bị đột quỵ nhồi máu não đều biết là qua khoảng thời gian vàng chừng 4-5 tiếng thì không có thuốc nào làm tan cục máu đông được nữa). Việc dùng thuốc kháng đông ở đây là để NGĂN NGỪA tình trạng tạo các cục máu đông mới.

Quá trình đông máu khá phức tạp, tuy nhiên các loại thuốc hiện nay chủ yếu tác động vào 2 mắt xích quan trọng:

Thứ nhất là thuốc chống kết tập tiểu cầu, khi các tiểu cầu không tụ tập với nhau thành một đám thì không thể tạo thành cục máu đông. Thuốc thông dụng là acid salicylic hay Aspirin hàm lượng thấp (75-200mg) uống hàng ngày, hàm lượng cao lại không tác dụng. Thuốc thông dụng tiếp theo là clopidogrel 75mg dùng hàng ngày. Có thể chỉ dùng hoặc Aspirin hoặc clopidogel hoặc phối hợp cả 2 loại này.

Thứ hai là nhóm ức chế yếu tố 10 hoạt hóa, hay ức chế Xa hay anti-Xa. Khi không có yếu tố Xa này thì cũng không thể tạo thành cục máu đông. Các thuốc thông dụng là rivaroxaban hay apixaban. Trong hướng dẫn dùng gói thuốc B cho F0 tại nhà của Sở Y tế TPHCM, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đều có hướng dẫn dùng hai loại này (rivaroxaban hoặc apixaban).

– Về thuốc kháng viêm corticoids: Loại đầu tiên được chứng minh có hiệu quả tốt để phòng chống bão cytokin là dexamethasone. Tuy nhiên sau đó các loại corticoids nói chung đều có tác dụng tương tự.

Do uống dexamethasone thì mỗi lần uống lại cần 12 viên (loại 0,5mg) nên khá bất tiện. Vì vậy, lựa chọn thông dụng nhất là methylprednisolon 16mg mỗi ngày chỉ cần uống 1 viên.Dù hoạt chất đều là methylprednisolon 16 mg nhưng tên biệt dược của từng nhà sản xuất lại khác nhau. Do đó, nếu thấy trong đơn thuốc, trong hóa đơn hoặc trên hộp thuốc, vỉ thuốc có ghi HÀM LƯỢNG 16MG thì nhiều khả năng đó chính là kháng viêm corticoids.

Nguồn: Bs Nguyễn Huy Hoàng – nhóm bác sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc và điều trị F0 tại nhà