Mức độ nguy hiểm của Virus Cúm A/H1N1

25 Tháng Bảy, 2022

Cúm A (H1N1) do loại virus cúm mới, có khả năng lây lan từ người sang người thông qua đường giọt bắn khi ho, hắt hơi… Hầu hết bệnh do virus cúm A H1N1 nhẹ, người bệnh có thể hồi phục mà không cần dùng thuốc điều trị, tuy nhiên cũng đã có trường hợp tử vong do nhiễm virus này.

1. Dấu hiệu nhiễm virus cúm A/H1N1

Tương tự như cúm mùa, các triệu chứng của virus cúm A/H1N1 bao gồm: Ho, sốt, đau họng, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh… Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy và nôn mửa.

2. Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại bao lâu ngoài môi trường?

Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại trên bề mặt ngoài môi trường như nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi…. và lây nhiễm cho người khác trong vòng 2 – 8 giờ sau khi đọng trên bề mặt đó.

3. Virus cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?

Thông thường, bệnh do virus cúm A thường nhẹ, hầu hết người bệnh có thể phục hồi mà không cần sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cúm A H1N1 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và gây tử vong. Các biến chứng nguy hiểm của cúm A bao gồm: Biểu hiện suy hô hấp lâm sàng, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, có dấu hiệu nặng lên của bác bệnh mạn tính kèm theo…

Nhóm đối tượng nguy cơ dễ bị cúm A/H1N1 biến chứng bao gồm:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng, hen phế quản, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải…
  • Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính (tim, gan, phổi, máu, thần kinh…)
  • Người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân đang điều trị ung thư, HIV/AIDS…

4. Virus cúm A/H1N1 lây truyền như thế nào?

Virus cúm lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện từ những người bị cúm. Người khỏe mạnh cũng có thể lây truyền virus cúm do chạm vào bề mặt, vật dụng có virus cúm, sau đó chạm lại vào mũi hoặc miệng.

Virus cúm A H1N1 có thể lây truyền từ một ngày trước khi có triệu chứng bệnh cho đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Nhóm đối tượng nguy cơ đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

5. Làm thế nào nếu bị virus cúm A H1N1?

  • Khi xác nhận nhiễm virus cúm A H1N1, người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà để tránh lây nhiễm virus cho cộng đồng.
  • Chuẩn bị thuốc hạ sốt, dung dịch sát khuẩn, khăn giấy và các vật dụng liên quan khác.
  • Không tự ý mua thuốc điều trị nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Khi có những dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
  • Uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
  • Đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi, nói chuyện với những người xung quanh.

Các dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện khẩn cấp bao gồm:

  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Da xanh hoặc xanh xám.
  • Nôn mửa nghiêm trọng hoặc kéo dài.
  • Không thức dậy hoặc không tương tác.
  • Khó chịu bực tức, không muốn được đụng chạm.
  • Các triệu chứng giống như cúm cải thiện nhưng sau đó trở lại với sốt và ho nặng hơn.
  • Đau hoặc chèn ép ngực hoặc bụng.
  • Đột nhiên choáng váng; Không tỉnh táo.
Điều trị cúm A tại nhà

Để phòng ngừa virus cúm A H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, Vệ sinh tay bằng xà phòng, Vệ sinh vật dụng, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn… Bên cạnh đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn cần được tiêm vắc xin cúm hàng năm để phòng bệnh.