Khối u ở gan di căn và lan sang các cơ quan khác là dấu hiệu cho thấy ung thư gan đã bước vào giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối, họ thường có tiên lượng xấu và phải chịu nhiều cơn đau dai dẳng. Ở giai đoạn này, việc điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém, nhiều trường hợp chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ để kéo dài thời gian sống.
1. Thế nào là ung thư gan giai đoạn cuối?
Ung thư gan giai đoạn cuối là trường hợp khối u đã xâm lấn vượt qua giới hạn của gan, xâm lấn các tổ chức lân cận, di căn đến nhiều hạch bạch huyết và các cơ quan xa như dạ dày, phổi, não,… Bệnh nhân có tế bào ung thư giai đoạn cuối thường có tiên lượng sống thấp, số lượng bệnh nhân sống trên 5 năm không nhiều. Việc điều trị trong giai đoạn này cũng khó khăn và tốn kém hơn.
Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh
2. Triệu chứng của ung thư gan giai đoạn cuối?
Ở giai đoạn đầu, ung thư gan không có nhiều biểu hiện rõ ràng để bệnh nhân có thể nhận biết, nhưng khi bệnh trở nặng, các triệu chứng của bệnh lại rõ rệt và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người bệnh.
Sụt cân, suy nhược cơ thể
Người ung thư giai đoạn cuối thường chán ăn, ăn không ngon miệng, khó nuốt, nhất là khi các khối u di căn chèn ép lên các cơ quan hệ tiêu hóa. Vì mệt mỏi, chán ăn nên cơ thể dần bị suy nhược nghiêm trọng, cân nặng cũng giảm sút nhanh.
Gặp các vấn đề về đường tiêu hóa
Nhiều bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối thường cảm thấy buồn nôn, đầy bụng, chướng bụng. Nhiều ca bệnh không thể tự ăn uống được, cần được các bác sĩ hỗ trợ trong việc bổ sung chất dinh dưỡng. Khi bệnh trở nặng, các khối u chèn ép lên gan và các cơ quan vùng hạ sườn, bệnh nhân có thể đau bụng, thậm chí khó tiêu và rối loạn tiêu hóa.
Chướng bụng
Bệnh nhân gặp vấn đề về gan thường gặp tình trạng ứ đọng dịch trong màng bụng, nhiều người cảm thấy khó thở, khó tiêu và căng tức ở vùng bụng.
Tắc mật
Sự tắc nghẽn đường mật kèm ứ đọng bilirubin gây nên tình trạng vàng da, nước tiểu đậm màu, ngứa ngáy bất thường… Người bệnh còn có thể đối diện với việc nhiễm trùng mật, sốt cao liên tục, vã mồ hôi, đau bụng và vùng hạ sườn bên phải.
Xuất huyết tiêu hóa
Bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng âm ỉ, sử dụng thuốc mà triệu chứng không thuyên giảm.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Người ung thư giai đoạn cuối thường bị rối loạn giấc ngủ, tâm trạng cũng dễ thay đổi, nhiều khi còn lú lẫn, nhanh quên, trường hợp nặng còn có thể hôn mê.
Bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối có thể đau ở vùng hạ sườn
3. Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối
Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối có thể sống trên 5 năm là không cao. Theo Viện ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, số lượng bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối sống sót qua 5 năm chỉ chiếm từ 2-3%. Cụ thể, cứ 100 người bệnh ung thư gan giai đoạn IV thì chỉ có khoảng 3 người sống được trên 5 năm. Nếu không kết hợp cùng các phác đồ điều trị khoa học thì tỷ lệ sống trên 1 năm của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối là rất thấp.
Mặc dù con số trên chỉ mang tính chất tham khảo những bệnh nhân cũng nên lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cũng như quan tâm tới thể trạng sức khỏe và đời sống tinh thần.
4. Phương pháp chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối
Sau đây là một số cách giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối
Xét nghiệm máu
Trước khi xét nghiệm, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, thăm dò hồ sơ bệnh án để nắm được sơ bộ tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu nhằm đánh giá chức năng của gan, thận, tình trạng đông máu, và một số chỉ số khác như AFP.
Chẩn đoán hình ảnh
Bên cạnh xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng, chụp X-quang vùng ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ MRI gan, ngực và bụng.
Sinh thiết
Đây được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư hiện nay. Với thủ thuật này thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng lấy một mẫu mô nhỏ từ cơ quan đang nghi ngờ gặp vấn đề để mang đi làm xét nghiệm.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm đột biến Gen hoặc hóa mô miễn dịch để định hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho từng trường hợp bệnh nhân.
5. Điều trị
Khi khối u ở gan đã di căn và xâm lấn tới các cơ quan khác trên cơ thể, các phương pháp điều trị thông thường không thể loạn bỏ toàn bộ các tế bào ung thư trong cơ thể mà chỉ giúp bệnh giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống.
Điều trị giảm đau
Bác sĩ thường sử dụng một số thuốc như paracetamol, thuốc ở nhóm opioids để giảm đau và ngăn các cơn đau xảy ra thường xuyên.
Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần được đảm bảo đầy đủ về mặt dinh dưỡng, nhất là những bệnh nhân thường xuyên nôn, buồn nôn, chán ăn, kiệt sức và mệt mỏi. Việc suy giảm chức năng gan kéo theo sự giảm sút trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của người bệnh. Những bệnh nhân khó nạp thức ăn và không thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất cần được can thiệp bổ sung qua đường tĩnh mạch.
Điều trị biến chứng của suy chức năng gan
Bệnh nhân gặp các triệu chứng như chướng bụng, khó thở, đau tức vùng ngực cần được điều trị và hút dịch kịp thời, tránh tình trạng vỡ tĩnh mạch. Ngoài ra bệnh nhân còn gặp các bệnh lý não-gan, gan-thận, do vậy mà điều trị các triệu chứng và biến chứng do xơ gan là rất cần thiết.
Điều trị bằng liệu pháp xạ trị, hóa trị
Người bệnh ung thư giai đoạn cuối có thể được chỉ định xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp 2 phương pháp này trong điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng do khối u di căn gây ra.
Ngoài những phương pháp điều trị kể trên, bệnh nhân cũng cần được hỗ trợ điều trị tâm lý và giữ tinh thần luôn phấn chấn, tích cực.
Trên đây là một số thông tin về ung thư gan giai cuối cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Việc chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất sức khỏe và chất lượng cuộc sống ở giai đoạn này là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, mỗi người cần chủ động chăm sóc sức khỏe, thăm khám ung thư định kỳ để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và phát hiện sớm bệnh lý để có phương án điều trị kịp thời.
- Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
- Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.