NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ BÉO PHÌ?

12 Tháng Sáu, 2024

Béo phì hiện đang là một trong những tình trạng sức khỏe đáng báo động đối với con người trong xã hội hiện nay. Tình trạng này không chỉ gây tác động xấu cho chất lượng cuộc sống của con người mà có thể còn dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.

1. Thế nào thì được gọi là béo phì?

Đây là tình trạng mà như tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa là việc chất béo bị tích tụ một cách quá mức hoặc bất thường trong cơ thể con người, khiến cho sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.

Cân nặng dư thừa có thể khiến nhiều người lo lắng

Cân nặng dư thừa có thể khiến nhiều người lo lắng

Béo phì hoặc thừa cân có thể được thể hiện thông qua chỉ số BMI. Chỉ số này được tính toán dựa trên cân nặng và chiều cao của một cá nhân cụ thể. Theo đó, đó:

Đối với người lớn: khi chỉ số BMI ở mức lớn hơn hoặc bằng 25 là thể hiện tình trạng thừa cân còn cao hơn hoặc bằng 30 là béo phì.

Đối với trẻ em: được tính theo độ lệch chuẩn trên trung bình theo quy chuẩn của WHO, chia thành hai dạng:

  • Trẻ dưới 5 tuổi: khi cân nặng theo chiều cao lớn hơn 2 so với độ lệch chuẩn trung bình là thừa cân và chỉ số này từ 3 trở lên là béo phì. 
  • Trẻ 5 tới 18 tuổi: khi cân nặng theo chiều cao lớn hơn 1 so với độ lệch chuẩn trung bình là thừa cân và chỉ số này lớn hơn 2 là béo phì.

Chỉ số BMI được tính một cách đơn giản theo công thức: cân nặng (đơn vị kilogram) chia cho bình phương chiều cao (đơn vị mét). Có thể nói, khi cơ thể tích tụ một lượng calo lớn hơn so với nhu cầu, chúng sẽ được lưu trữ dạng các mô mỡ hoặc chất béo. 

Đối với người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên, không phân biệt nam hay nữ, ý nghĩa chỉ số BMI có thể được hiểu một cách đơn giản là:

  • Khi BMI dao động trong khoảng 25,0 tới 29,9: thừa cân.
  • Khi BMI dao động trong khoảng 30,0 tới 34,9: béo phì độ 1.
  • Khi BMI dao động trong khoảng 35,0 tới 39,9: béo phì độ 2.
  • Khi BMI dao động trong khoảng 40,0 trở lên: béo phì độ 3 hoặc nghiêm trọng, cực độ.

2. Đâu được xem là nguyên nhân có thể dẫn tới béo phì?

Hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân dẫn tới, trong đó, điển hình như:

Ăn nhiều

Đây được xem là nguyên nhân có thể dễ dàng nhận biết và phụ thuộc nhiều vào mỗi cá nhân, với các biểu hiện cụ thể như:

  • Sử dụng nhiều các loại thực phẩm được chế biến sẵn hoặc đồ ăn nhanh. Đây chính là dạng thực phẩm thường mang tới cảm giác ngon miệng, hấp dẫn do chứa rất nhiều đường, chất béo. Đi kèm với đó là một số loại đồ uống như: nước ngọt, bia rượu,…
  • Thường ăn những suất ăn hoặc lượng thức ăn lớn hơn so với nhu cầu của cơ thể một cách không kiểm soát.
  • Một số người bị mắc chứng rối loạn ăn uống, không thể khống chế hoặc kiểm soát được chất và lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Ăn nhiều mà vận động lại ít là điều kiện lý tưởng cho việc tích mỡ

Ăn nhiều mà vận động lại ít là điều kiện lý tưởng cho việc tích mỡ

Ít hoặc lười vận động

Xã hội càng tiến bộ, công việc bận rộng, cơ hội để con người có thể vận động cũng vì thế càng ít đi. Việc thường xuyên sử dụng xe máy, ô tô thay vì đi bộ hay xe đạp, ngồi một chỗ lướt web, xem tivi có thể khiến cho nguy cơ béo phì tăng cao.

Di truyền

Theo nghiên cứu do các nhà khoa học công bố, trong cơ thể con người có tồn tạo gen liên quan và ảnh hưởng tới quá trình cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng. Cùng với đó, một số hội chứng có thể dẫn tới bệnh cũng được di truyền như: hội chứng Prader-Willi hoặc thèm ăn.

Do nội tiết

Một số bệnh liên quan tới nội tiết như: suy giáp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết có thể dẫn tới việc tích mỡ.

Từ những phân tích về nguyên nhân như trên, có thể nói các đối tượng sau đây dễ mắc tình trạng này hơn cả:

  • Người hay sử dụng thức ăn giàu calo, đồ ăn nhanh, nội tạng hoặc da động vật,…
  • Người ít, lười vận động hoặc công việc đặc thù thường ngồi lâu một chỗ.
  • Có bệnh do nguyên nhân rối loạn nội tiết.
  • Gia đình có người mắc béo phì.

3. Một số tác hại mà bệnh có thể gây ra

Các vấn đề về sức khỏe sau có thể có nguyên nhân từ bệnh:

  • Tự ti: là cảm giác thường gặp, có thể bị kì thị dẫn tới xấu hổ.
  • Bệnh xương khớp: thường là viêm khớp do trọng lượng cơ thể gây ra áp lực lớn tới khớp, đầu gối.
  • Tiểu đường.
  • Tim mạch: Sự dư thừa của chất béo có thể khiến cho não, mạch máu bị ảnh hưởng nặng nề.
  • Trí nhớ giảm sút.
  • Bệnh ở đường tiêu hóa, hô hấp, nội tiết.
  • Ung thư: bệnh có thể dẫn tới nguy cơ cao của một số loại ung thư: vú, thực quản , tuyến tụy, giáp, túi mật, nội mạc tử cung,…
Vòng bụng càng to, nguy cơ càng nhiều

Vòng bụng càng to, nguy cơ càng nhiều

4. Béo phì có thể được chẩn đoán và điều trị thế nào?

Việc chẩn đoán có thể được thực hiện qua xét nghiệm, tìm hiểu tiền sử sức khỏe, kiểm tra các chỉ số. Đặc biệt, theo nghiên cứu, eo lớn hơn 89 cm ở phụ nữ và lớn hơn 102 cm ở nam giới có thể gặp vấn đề sức khỏe nhiều hơn những người khác.

Việc điều trị bệnh được thực hiện với sự kết hợp cả dùng thuốc, chế độ ăn và vận động, sinh hoạt. Cụ thể là:

  • Giảm lượng thức ăn sao cho lượng calo cơ thể tiêu tốn lớn hơn lượng nạp vào để có thể chuyển hóa năng lượng từ mô mỡ.
  • Luyện tập thường xuyên để duy trì mức cân vừa phải, tăng cường sử dụng năng lượng.
  • Thuốc hỗ trợ: chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.
  • Phẫu thuật: chỉ được thực hiện nếu bệnh dẫn tới những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sức khỏe.
Kiểm soát cân nặng được bắt đầu từ ăn uống khoa học

Kiểm soát cân nặng được bắt đầu từ ăn uống khoa học

Có thể nói, kiểm soát cân nặng của cơ thể ở một mức ổn định, phù hợp là một trong những phương pháp để bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân. Vì thế, mỗi chúng ta cần quan tâm hơn tới cơ thể của mình. Khi gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, bạn hãy tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị.

Đăng trong Chưa phân loại