Những điều cần biết về hội chứng Cushing

1 Tháng Hai, 2021

Hiện nay, có rất nhiều người bệnh mắc các bệnh lý tự miễn như giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu tán huyết miễn dịch, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư, viêm khớp và một số bệnh lý ung thư.. phải sử dụng nhóm thuốc Corticosteroids để điều trị. Những người phải sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài với liều cao hay có những biểu hiện giống nhau như người mập dần, mặt tròn như mặt trăng, giữ nước, rạn da, tăng huyết áp, loãng xương, yếu cơ, nổi mụn…đây là những dấu hiệu của hội chứng Cushing. Vậy hội chứng Cushing là gì, bài viết dưới dây cung cấp đến bạn đọc một số thông tin, kiến thức về Hội chứng Cushing.

1. Hội chứng Cushing là gì?

   Hội chứng Cushing là một tình trạng cơ thể có nhiều rối loạn như giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương…Hội chứng Cushing xảy ra khi trong cơ thể người bệnh có một tình trạng tăng quá mức các hormon (nội tiết tố) cortisol kéo dài gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Cortisol là một loại hormon glucocorticoid được sản xuất bởi vỏ tuyến thượng thận. Trong giới hạn bình thường cortisol có nhiều chức năng quan trọng và cần thiết cho cuộc sống, như thúc đẩy chuyển hóa, sử dụng năng lượng dự trữ, giúp cơ thể chống lại tình trạng stress…, tuy nhiên khi nó quá dư thừa sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực. Bình thường lượng hormon cortisol trong máu được điều tiết bới tuyến yên và vùng dưới đồi ở não để không xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc tăng quá mức. Hội chứng xảy ra khi có bất thường ở tuyến thượng thận, tuyến yên, vùng dưới đối hoặc do cortisol trong thuốc được đưa vào cơ thể.

 

2. Nguyên nhân của hội chứng Cushing?

   Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing:

  • Bệnh Cushing do khối u tuyến yên sản xuất ra lượng hormon ACTH dư thừa, kích thích tuyến thượng thận tăng sản xuất cortisol. U tuyến yên có thể gây ra triệu chứng đau đầu, bán manh, nhìn mờ khi khối u chèn ép dây thần kinh thị giác, đồng thời có thể gây ra biểu hiện ở những cơ quan khác do rối loạn một số hormon được tiết ra bởi tuyến yên.
  • Hội chứng Cushing do u vỏ thượng thận gây tăng tiết cortisol. U thường lành tính, ác tính ít gặp hơn nhưng rất nặng và tiến triển nhanh, triệu chứng rầm rộ.
  • Hội chứng tăng tiết ACTH ngoại sinh: do một khối u không phải ở tuyến yên tiết ra, là một biểu hiện bệnh lý ác tính (như ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư gan nguyên phát, ung thư dạ dày…)
  • Cushing do thuốc: đây là hậu quả của tình trạng lạm dụng thuốc corticosteroid kéo dài không kiểm soát, thường gặp trong các bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý về máu, hen phế quản… Trong thời gian gần đây, Cushing do thuốc rất phổ biến vì tình trạng lạm dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, corticosteroid trong các chế phẩm thuốc và thực phẩm chức năng nhằm giảm đau, chống dị ứng. Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất và biến chứng nặng nề như suy thượng thận cấp, suy kiệt rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng…

 
3. Các triệu chứng gợi ý hội chứng Cushing

   Một người mắc hội chứng Cushing sẽ có những đặc trưng như sau:

  • Tích tụ mỡ vùng trung tâm: “mặt tròn như mặt trăng”, ở vùng da như mí mắt, cổ, bụng, bướu mỡ giữa 2 xương bả vai (bướu trâu).
  • Tứ chi: mệt mỏi, yếu cơ, teo cơ tứ chi
  • Biến đổi ở da: da mỏng, rậm lông, rạn da màu tím đỏ, dễ bầm máu, nổi nhiều mụn trứng cá ở mặt, lưng.

 
4. Tác động trên cơ thể?

   Do dư thừa lượng hormone cortisol trong cơ thể dẫn đến những rối loạn chuyển hóa, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng:

  • Cơ địa dễ nhiễm trùng do suy yếu hệ miễn dịch, chậm lành vết thương.
  • Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, giảm ham muốn ở nam giới.
  • Suy giảm khả năng sinh sản
  • Rối loạn cảm xúc, tâm thần, chậm tăng trưởng ở trẻ em.
  • Tăng nguy cơ các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường típ 2, loãng xương, sỏi thận…

 
5. Điều trị hội chứng Cushing?

   Tùy theo nguyên nhân mà hội chứng Cushing được điều trị bằng nhiều cách:

   Đối với các khối u tuyến yên, tuyến thượng thận: phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc xạ trị sau đó dùng hormon thay thế

   Đối với các khối u tiết ACTH ở cơ quan khác: điều trị khối u bằng cách phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị

   Đối với việc dùng thuốc Corticoids để chữa một bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh lý tự miễn: bác sĩ sẽ giảm liều thích hợp, dùng liều thấp, không dùng kéo dài, thường xuyên tầm soát các dấu hiệu của Hội chứng    Cushing và xử trí thích hợp như bổ sung Canxi, điều chỉnh tăng huyết áp…

 

6. Cách phòng ngừa?

   Liên hệ với bác sĩ nếu có các triệu chứng gợi ý hội chứng Cushing, đặc biệt là nếu đang dùng thuốc corticosteroid để điều trị một tình trạng bệnh, chẳng hạn như hen suyễn, viêm khớp, các bệnh lý tự miễn,…

   Không tự ý mua thuốc tại nhà thuốc các loại thuốc điều trị viêm nhiễm (viêm họng, viêm xoang,…) và các loại thuốc chống dị ứng…vì hầu hết các thuốc này có chứa Corticoids.

   Đối với người bệnh phải điều trị nhóm thuốc Corticoids, tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự động ngưng thuốc đột ngột vì sẽ gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận cấp.

   Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, không tự ý dùng những loại thuốc cổ truyền hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần.


Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.

Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.