Sơ cứu và điều trị chảy máu mũi

19 Tháng Bảy, 2021

 Sơ cứu 
Nếu chăm sóc đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, hãy thực hiện các bước sau:

  • Yêu cầu trẻ xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ các cục máu đống đã hình thành bên trong mũi. Điều này có thể khiến máu chảy nhiều hơn trong chốc lát nhưng sau đó mọi việc sẽ ổn. Bỏ qua giai đoạn này nếu trẻ quá nhỏ.
  • Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.
  • Dùng ngón trỏ và ngón cái của bạn bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Không bóp phần xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía.
  • Bóp chặt cánh mũi trong 10 phút, dùng đồng hồ để xem giờ cho chính xác. Trong khi chờ đợi, cho trẻ đọc sách hay xem tivi. Đừng thả tay quá thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa. Máu cần thời gian để tạo cục máu đông. Thả tay quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể khiến máu chảy kéo dài.
  • Nếu muốn, có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Chỉ nên áp dụng biện pháp này nếu trẻ đồng ý phối hợp.
  • Hướng dẫn trẻ nhổ máu tích tụ trong miệng vì nuốt máu có thể gây nôn.
  • Cho trẻ uống chút nước mát để đỡ căng thẳng và tẩy bớt mùi máu trong miệng.
  • Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa.

Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì nhắc lại các bước trên một lần nữa. Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy
Điều trị tại cơ sở y tế
Việc điều trị cấp cứu cũng dựa trên nguyên tắc sơ cứu ban đầu như trên. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cha mẹ cách ấn mũi cho máu ngừng chảy. Nếu các biện pháp sơ cứu này không mang lại hiệu quả, máu mũi tiếp tục chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu.
Sau đó, bác sĩ có thể:

  • Bôi thuốc mỡ cầm máu vào bên trong mũi của trẻ.
  • Dùng nitrat bạc hoặc các hóa chất khác để ‘đốt’ các mạch máu.
  • Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi.
  • Kê đơn kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Với các trường hợp chảy máu nặng, trẻ có thể cần làm xét nghiệm máu để xác định lượng máu bị mất.

Chăm sóc sau điều trị

  • Nếu trẻ được nhét bấc mũi thì cần lưu bấc mũi trong vòng 24-48 giờ. Cha mẹ không nên tìm cách tự tháo bỏ bấc mũi. Sau 48 giờ, cần đưa trẻ trở lại bệnh viện để kiểm tra và tháo bấc. Nếu bấc mũi tự rơi ra và trẻ không bị chảy máu nữa thì không cần quay lại bệnh viện.
  • Trường hợp không cần đặt bấc mũi, bác sĩ có thể yêu cầu bôi thuốc mỡ kháng sinh vào bên trong mũi trong vòng 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Nếu mũi của trẻ khô và nứt nẻ, cha mẹ có thể dùng đầu tăm bông nhẹ nhàng bôi chút mỡ vaseline vào bên trong mũi. Có thể làm vậy 2 lần mỗi tuần. Không thực hiện động tác này ở trẻ dưới 4 tuổi vì trẻ thường ngọ nguậy và có thể gây chấn thương.