Chiều cao trung bình của nam thanh niên người Việt đang thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 13,1cm, còn nữ là 10,7cm.
Lần đầu tiên một tập đoàn tư nhân công bố đề án dinh dưỡng đồng hành với chính phủ – Tập đoàn TH.
Người Việt chậm cải thiện tầm vóc, thể lực
Tại hội thảo đầu tiên có chủ đề “Dinh dưỡng người Việt” để triển khai đề án, GS Nakamura Teiji – Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng quốc gia Nhật Bản, cho hay Nhật Bản đã chú ý đến dinh dưỡng để cải thiện tầm vóc từ những năm 1950 của thế kỷ trước.
Một trong những hoạt động nhằm cải thiện tầm vóc người Nhật là triển khai bữa ăn học đường, ban đầu là cung cấp sữa tươi cho học sinh, tiến đến là sữa tươi và bữa ăn nhẹ và bữa ăn hoàn chỉnh tại trường học, trong đó cũng có sữa tươi và các thực phẩm khác.
Ông Teiji cũng cho hay người Nhật khi đó đã đánh giá việc cải thiện chiều cao, tầm vóc của trẻ thời điểm trước khi thực hiện, sau khi có bữa ăn học đường bốn tháng và hai năm ở cùng một trẻ tham gia chương trình, mức độ cải thiện rất rõ ràng cho thấy đó là biện pháp can thiệp có hiệu quả.
Tại Việt Nam, chương trình dinh dưỡng học đường đã được triển khai ở phạm vi tỉnh từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Tại các tỉnh thành đã triển khai chương trình, cụ thể như tỉnh Nghệ An, hiệu quả cải thiện chiều cao, tầm vóc của trẻ học đường rất đáng kể.
Tuy nhiên, chiều cao của nam thanh niên theo khảo sát gần nhất mới đạt 164,4cm, nữ thanh niên đạt 153,4cm.
So với chiều cao tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nam thanh niên Việt Nam thấp hơn 13,1cm, nữ thanh niên thấp hơn 10,7cm.
So sánh trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao người Việt cũng vào nhóm thấp nhất. Đó là chưa kể các vấn đề sức khỏe mãn tính khác cũng liên quan đến dinh dưỡng như gia tăng các bệnh mãn tính không lây, ảnh hưởng sức khỏe và tuổi thọ.
Dinh dưỡng cho người Việt
Để cải thiện chiều cao, tầm vóc, thể lực người Việt, cũng như giảm thiểu các bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch… Tập đoàn TH đã công bố một đề án có tên Dinh dưỡng người Việt, với sáu tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù.
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp công bố đề án dinh dưỡng, nhằm đồng hành thực hiện các chính sách về dinh dưỡng của chính phủ.
Đề án này sẽ được thực hiện trong 10 năm, từ 2018-2028, có các tiểu đề án như nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho lứa tuổi học đường, cho người lao động, đặc biệt là công nhân, cải thiện dinh dưỡng cho người cao tuổi, người luyệt tập thể thao, đồng thời nhấn mạnh vai trò của “dinh dưỡng phòng chống” – dinh dưỡng hợp lý để phòng chống béo phì, tiểu đường, loãng xương, ung thư…
Theo ông Phạm Hưng Củng – nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, tầm vóc người Việt chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực.
Trong khi đó, số người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa… lại tăng nhanh. “Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng, kiểm soát sức khỏe và bệnh tật trong các gia đoạn vòng đời”, ông Củng nói.
Tại Nhật Bản, GS Teiji cho biết sự tham gia của doanh nghiệp trong cải thiện dinh dưỡng đã được luật hóa. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, trong đó có TH, đã có những bước đi đầu tiên tham gia vào chương trình dinh dưỡng học đường.
Đến 2030, mục tiêu đặt ra là nam nữ thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình hơn thế hệ hiện nay 3-4cm. Muốn như vậy, phải sớm có những hành động mạnh mẽ và đúng hướng từ bây giờ.