Ung thư túi mật là một bệnh lý tương đối hiếm gặp nhưng nguy hiểm, bởi ung thư phát triển nhanh và dễ di căn sang các tổ chức khác. Đặc biệt, bệnh không có triệu chứng điển hình, do vậy thường được phát hiện ở những giai đoạn muộn, khi đó tiên lượng sống của người bệnh là rất thấp. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh ung thư túi mật có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư túi mật, như người bệnh sỏi mật hay viêm túi mật, nên kiểm soát tốt bệnh và thăm khám định kỳ để được tầm soát ung thư.
1. Ung thư túi mật là gì?
Ung thư túi mật là sự phân chia “vô tổ chức” của các tế bào niêm mạc thành túi mật. Túi mật là cơ quan nhỏ nằm dưới gan, chức năng chính là lưu trữ và cô đặc dịch mật – một loại dịch tiêu hóa được tiết ra từ gan, giúp cơ thể sử dụng được chất béo trong thức ăn.
Đây là một bệnh ít gặp, tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn so với phụ nữ và nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi (trên 70 tuổi).
Có khoảng 9/10 trường hợp ung thư túi mật là ung thư tế bào tuyến (adenocarcinomas), tức là bệnh bắt nguồn từ sự tăng sinh lên quá mức của các tế bào tuyến trong niêm mạc túi mật.
Các trường hợp còn lại của ung thư túi mật xuất phát từ các tế bào khác nhau như tế bào vảy (ung thư biểu mô tế bào vảy), tế bào cơ túi mật (ung thư mô liên kết)…
2. Ung thư túi mật: Dấu hiệu và triệu chứng
Ung thư túi mật thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng điển hình cho đến giai đoạn nặng.
Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng của ung thư túi mật cũng tương tự với các bệnh lý của đường mật, bao gồm:
– Đau bụng: Hầu hết những người bị ung thư túi mật sẽ bị đau bụng, thường là bụng trên bên phải.
– Buồn nôn và/hoặc nôn: là triệu chứng thường gặp khi bị ung thư túi mật.
– Vàng da và tròng trắng mắt: Khi tế bào ung thư phát triển đủ lớn có thể gây ứ trệ dịch mật, làm cho thành phần bilirubin có mặt trong dịch mật thấm ngược trở lại máu, gây ra dấu hiệu vàng da, vàng mắt.
– Có khối u trong bụng: Nếu có khối u, túi mật sẽ bị sưng to. Ung thư túi mật cũng có thể lây lan đến các bộ phận lân cận như gan. Qua thăm khám trên lâm sàng, bác sỹ có thể thấy khối u ở bụng phải của người bệnh.
– Các triệu chứng khác ít gặp hơn: Ung thư túi mật có thể làm giảm cảm giác ngon miệng, gây sút cân, chướng bụng, sốt, ngứa da, nước tiểu đậm màu, phân có màu sáng hoặc vấy mỡ.
Vì ung thư túi mật không phải là một bệnh phổ biến, các triệu chứng của bệnh cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh gan mật thường gặp khác như sỏi mật, viêm gan… nên thường bị bỏ qua. Do vậy, nếu bạn có một hoặc nhiều trong các triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh.
3. Nguyên nhân gây ung thư túi mật?
Sỏi mật và viêm túi mật là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn tới ung thư túi mật. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, quá trình viêm túi mật có thể dẫn đến những thay đổi nhất định trong ADN của tế bào, làm quá trình phân chia của các tế bào thành túi mật bị biến đổi, tế bào cũ không chết đi trong khi tế bào mới vẫn tiếp tục được sản sinh đã hình thành nên bệnh ung thư túi mật. Ngoài ra, sự bất thường trong cấu trúc của ngã ba mật tụy có thể dẫn đến tình trạng trào ngược dịch tụy vào đường mật và túi mật, cũng là một yếu tố gây viêm và tăng nguy cơ bị ung thư túi mật.
Một số người thừa hưởng đột biến ADN từ cha mẹ và có nguy cơ ung thư túi mật cao hơn. Nhưng, ung thư túi mật do di truyền rất hiếm gặp, sự đột biến ADN gây ung thư thường xuất hiện sau khi sinh ra.
4. Các giai đoạn phát triển của ung thư túi mật
Để dễ dàng trong việc điều trị, ung thư túi mật được chia thành 4 giai đoạn phát triển:
– Giai đoạn I: các tế bào ung thư mới chớm bắt đầu hình thành và phân chia ở trong lớp lót phía trong của túi mật.
– Giai đoạn II: các tế bào ung thư tiếp tục phát triển và xâm lấn một phần ra lớp ngoài của túi mật.
– Giai đoạn III: tế bào ung thư phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn, chúng đã bắt đầu xâm nhập một phần hoặc gần như toàn bộ đến các cơ quan lân cận như gan, ruột non, dạ dày. Thậm chí chúng có thể đã lan lên đến các hạch bạch huyết gần đó.
– Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối hay các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn đến các khu vực xa của cơ thể.
5. Ung thư túi mật được điều trị ra sao?
Phương pháp điều trị ung thư túi mật phụ thuộc vào giai đoạn, sự ảnh hưởng của bệnh đến gan và các hạch bạch huyết cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Phẫu thuật trị ung thư túi mật giai đoạn đầu
Khoảng 5-50% bệnh nhân được phát hiện và điều trị ung thư túi mật ở giai đoạn đầu có thể sống thêm ít nhất 5 năm. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và các mô xung quanh gan là ưu tiên hàng đầu khi phát hiện ung thư túi mật ở giai đoạn đầu.
– Giai đoạn I, II: Lúc này sự phát triển của các tế bào ung thư là mới chớm bắt đầu, chưa làm tổn thương sâu vào thành túi mật thì chỉ cần loại bỏ túi mật. Hơn 70% người bệnh ung thư túi mật đã khỏi bệnh hoàn toàn khi điều trị từ giai đoạn này.
– Giai đoạn III: Lúc này ngoài cắt túi mật, bác sĩ sẽ loại bỏ thêm một phần lá gan xung quanh túi mật và các tuyến bạch huyết ở khu vực lân cận, đường ống dẫn mật đã bị xâm lấn.
Điều trị ung thư túi mật giai đoạn cuối (giai đoạn ung thư di căn)
Trong trường hợp ung thư túi mật đã lan rộng sang các khu vực khác của cơ thể, phẫu thuật sẽ không có tác dụng. Thay vào đó, bác sỹ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị để làm giảm triệu chứng và cải thiện sức khỏe của người bệnh. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
– Hóa trị: Sử dụng các loại hóa chất độc để tiêu diệt các tế bào ung thư phát triển.
– Xạ trị: Dùng năng lượng cao từ các nguồn tia bức xạ, chẳng hạn như tia X – quang chiếu vào vùng tổn thương.
Điều trị tắc nghẽn đường mật
Ung thư túi mật tiến triển có thể gây tắc nghẽn đường mật và các biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, việc điều trị giảm tắc nghẽn rất cần thiết. Lựa chọn điều trị bao gồm đặt stent trong ống dẫn mật hoặc phẫu thuật bắc cầu ống dẫn mật.
6. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh ung thư túi mật
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong chiến lược điều trị bệnh ung thư. Ăn đúng loại thực phẩm nên ăn trong và sau khi phẫu thuật sẽ giúp người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hơn. Tốt nhất người bệnh nên lựa chọn nhiều chất xơ để làm giảm biến chứng tiêu chảy, khó tiêu do thiếu dịch mật, đồng thời hạn chế tối đa các loại chất béo và cholesterol.
Khi bị bệnh ung thư, đừng để người thân của bạn phải một mình chống lại nó, bởi tại thời điểm đó họ rất yếu đuối. Vì vậy, chỉ cần làm họ an tâm khi luôn có người thân ở bên cạnh để san sẻ bớt một phần gánh nặng sẽ giúp quá trình điều trị có kết quả tốt hơn.
Để được cung cấp thêm thông tin bổ ích hãy liên hệ với Dr.Labo
Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.