XÉT NGHIỆM HBA1C.

5 Tháng Tư, 2023

Đái tháo đường là bệnh mạn tính không chữa khỏi, trừ đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường do thuốc,… Xét nghiệm HbA1c không chỉ xác định một người bị đái tháo đường mà còn giúp người đã bị bệnh biết được chỉ số đường huyết tại thời điểm xét nghiệm, với mục tiêu làm chậm tiến trình và cải thiện biến chứng đái tháo đường. Xét nghiệm HbA1c cần thực hiện từ 2 – 4 lần/năm.

1.Xét nghiệm HbA1c là gì?

Xét nghiệm HbA1c (hemoglobin glycated) cho biết mức đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng. Thông thường, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để chuyển hóa lượng glucose từ thức ăn được đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, vì thiếu hụt insulin hoặc do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả nên glucose này dính vào hemoglobin – một loại protein của tế bào hồng cầu. Và khi tế bào hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể thì chúng cũng “phiêu lưu ký” cùng. Các tế bào hồng cầu có tuổi thọ trong 2-3 tháng, đó là lý do tại sao việc xét nghiệm HbA1c nên được thực hiện hàng quý và mỗi năm có thể xét nghiệm từ 2-4 lần. (1)

2.Kết quả xét nghiệm HbA1c gồm những mức độ nào?

Kết quả xét nghiệm HbA1c cung cấp thông tin cơ bản về mức đường huyết trong 2-3 tháng qua để bác sĩ giúp người bệnh điều chỉnh mục tiêu điều trị, kiểm soát tiểu đường tốt hơn. 

Các mức độ HbA1c, gồm:

Chỉ số HbA1cMức độ
Dưới 5.7%Bình thường
5.7% đến 6.4%.Tiền đái tháo đường
Từ 6.5% trở lên.Bệnh đái tháo đường

Kết quả xét nghiệm có chỉ số HbA1c cao có nghĩa cơ thể tồn dư quá nhiều đường trong máu. Với người tiền đái tháo đường sẽ có cơ hội làm chậm nguy cơ tiến triển sang giai đoạn đái tháo đường. Với người bệnh đái tháo đường dễ bị biến chứng bàn chân đái tháo đường, bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tim mạch,…

Người bệnh đái tháo đường cần duy trì mục tiêu mức HbA1c dưới 7% là ổn định. HbA1c càng cao, nguy cơ bị biến chứng đái tháo đường càng lớn. Những người bị đái tháo đường không được điều trị trong thời gian dài, mức HbA1c thường trên 8%. Nếu mức HbA1c của người bệnh đái tháo đường cao hơn mục tiêu, bác sĩ có thể thay đổi phương án điều trị bằng kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc.

3.Xét nghiệm HbA1c nên được thực hiện khi nào?

Bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm HbA1c để chẩn đoán một người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao bị đái tháo đường. Sau lần kiểm tra HbA1c đầu tiên, tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2, tình hình kiểm soát đường huyết và kế hoạch điều trị. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể được thực thiện khi khám sàng lọc sức khỏe định kỳ.

  • Nếu kết quả xét nghiệm HbA1c ghi nhận tiền đái tháo đường, bạn nên kiểm tra HbA1c mỗi năm 1 lần. 
  • Nếu kết quả xét nghiệm bị đái tháo đường tuýp 1, người bệnh nên kiểm tra 3-4 lần/năm.
  • Nếu kết quả xét nghiệm bị đái tháo đường tuýp 2 có thể xét nghiệm 2-4 lần/năm. Người bệnh có thể cần xét nghiệm thường xuyên hơn nếu kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường thay đổi hoặc đổi thuốc. 

Ngay khi nhận kết quả HbA1c cao, người bệnh đái tháo đường không bi quan và cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm HbA1c thường xuyên, thông qua đó kiểm soát việc quản lý đường huyết tốt hay chưa để điều chỉnh thuốc, điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp hơn.

Nói chung, người bệnh đái tháo đường nên làm xét nghiệm HbA1c 3 tháng một lần và ít nhất 2 lần/năm để luôn đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong vòng kiểm soát. Nếu người bệnh thực hiện tốt chế độ ăn uống, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì đường huyết được kiểm soát tốt. Lúc đó, thời gian thực xét nghiệm HbA1c giữa các lần sẽ giãn ra. Tuy nhiên, người bệnh nên kiểm tra ít nhất 2 lần mỗi năm.

Lưu ý: Ở một số trường hợp, kết quả xét nghiệm HbA1c có thể sai lệch do người bệnh bị thiếu máu. Những yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến kết quả HbA1c gồm: bệnh gan, bệnh thận, hay mức vitamin C, vitamin E, cholesterol,… trong máu người bệnh quá cao. Do đó, người bệnh nên lựa chọn cơ sở xét nghiệm uy tín, máy móc hiện đại cùng bác sĩ có chuyên môn cao và kinh nghiệm về điều trị bệnh đái tháo đường để kiểm soát bệnh.

4.Các trường hợp chỉ số HbA1c bất thường cần lưu ý

1. Trường hợp HbA1c có thể tăng

Mức độ HbA1c có thể tăng, do các yếu tố:

  • Người bệnh không khỏe, đổi thuốc điều trị đái tháo đường, dùng thuốc steroid.
  • Chế độ ăn uống không kiểm soát tốt (ăn nhiều tinh bột, uống nước ngọt,…), ít vận động,…
  • Căng thẳng, buồn chán.
  • Ngộ độc chì, nghiện rượu, bệnh mạn tính (suy thận mạn, thiếu máu,…).

2. Trường hợp HbA1c có thể giảm

Chỉ số HbA1c có thể giảm trong các trường hợp:

  • Thiếu máu mạn tính.
  • Người bệnh mắc các bệnh lý thiếu máu tán huyết, hồng cầu hình liềm,… dẫn đến thời gian sống của hồng cầu trong cơ thể ngắn.
  • Sau khi truyền máu hoặc sau khi dùng lượng lớn vitamin C, vitamin E,…

ĐỂ XÉT NGHIỆM QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ 0837755383-02473088288.