XÉT NGHIỆM INSULIN

15 Tháng Năm, 2023

1. Khái niệm và vai trò của insulin trong kiểm soát lượng glucose trong máu

Insulin là một hormon được sản xuất bởi các tế bào Beta của đảo tụy được sinh ra giúp ổn định lượng đường trong máu và vận chuyển glucose đi nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. 

Glucose là một loại đường có nguồn gốc từ thực phẩm và là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa thành glucose và các chất dinh dưỡng khác sau đó sẽ được hấp thụ vào máu qua đường tiêu hóa. 

Nồng độ glucose tăng sau bữa ăn kích hoạt tuyến tụy sản xuất insulin và giải phóng chúng vào máu. Insulin hoạt động giống như một chiếc chìa khóa mở cửa cho các tế bào và cho phép glucose hấp thụ vào trong. Nếu không có nó, tế bào không thể nhận glucose; lúc này glucose sẽ tồn tại trong máu.

Để có sức khỏe tốt, cơ thể phải có khả năng giữ cân bằng lượng insulin và glucose. Khi lượng insulin quá thấp, lượng đường trong máu sẽ cao hơn bình thường (tình trạng tăng đường huyết) và các tế bào không thể lấy được năng lượng mà chúng cần. 

Ngược lại, với nồng độ quá cao sẽ khiến lượng đường trong máu giảm (tình trạng hạ đường huyết), gây ra các triệu chứng như: đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt và trong trường hợp nguy hiểm sẽ có sốc. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bất thường lượng đường trong máu là bệnh tiểu đường.

2. Khi nào cần làm xét nghiệm insulin?

Tiến hành làm xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) hoặc những bệnh lý khác liên quan đến sản xuất insulin bất thường. 

Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm insulin:

– Nếu bạn có các biểu hiện hạ đường huyết như: 

+ Run rẩy, chóng mặt, đau đầu.

+ Vã mồ hôi.

+ Cảm thấy đói.

+ Tim đập nhanh.

+ Giảm thị lực.

+ Cáu gắt.

+ Da tái nhợt.

+ Cơ thể thường mệt mỏi, khó chịu do thiếu năng lượng cần thiết.

– Nếu bạn đang theo dõi đáp ứng điều trị insulin trong bệnh tiểu đường.

– Nếu bác sĩ nghi ngờ cơ thể bạn đang bị kháng insulin thì sẽ chỉ định xét nghiệm này. Lúc đầu, tình trạng kháng insulin kích thích cơ thể tạo thêm insulin, bù lại cho lượng bị kháng. Sự bổ sung insulin trong máu có thể gây hạ đường huyết. Nhưng tình trạng kháng insulin có xu hướng trở nên nặng hơn theo thời gian. 

Cuối cùng, nó làm giảm khả năng sản xuất insulin của cơ thể. Khi nồng độ chất này giảm, lượng đường trong máu tăng. Nếu mức độ của nó không trở lại bình thường, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường type 2. 

3. Ý nghĩa xét nghiệm insulin

Giá trị bình thường: 

Insulin là một hormon có thời gian bán hủy nhanh vì vậy cần được tiến hành xét nghiệm sớm trong vòng 2 giờ sau thời điểm lấy mẫu.

Giá trị bình thường theo các mốc thời gian như sau: 

– Sau ăn 30 phút: 29,9 – 229,9 µU/mL.

– Sau ăn 1 giờ: 17,9 – 276,0 µU/mL.

– Sau ăn 2 giờ: 15,9 – 166,0 µU/mL.

– Sau ăn ≥ 3 giờ: <25,0 µU/mL.

Nồng độ insulin tăng khi nào?

Tình trạng tăng insulin xảy ra trong các trường hợp:

  • U tụy.
  • Bệnh to đầu chi (đặc biệt trong giai đoạn tiến triển) sau khi cho bệnh nhân dùng glucose.
  • Hội chứng Cushing, một rối loạn của tuyến thượng thận do dư thừa cortisol.
  • Không dung nạp với fructose và galactose.
  • Xơ gan do nguyên nhân suy giảm thanh thải insulin khỏi dòng máu.
  • Đái tháo đường type II.
  • Béo phì.
  • Mắc hội chứng kháng insulin tự miễn.

Nồng độ insulin giảm khi nào?

  • Tăng đường huyết.
  • Bệnh tiểu đường type I.
  • Viêm tụy.
  • Suy tuyến yên.

4. Một số lưu ý khi lấy máu làm xét nghiệm insulin

Xét nghiệm bị ảnh hưởng nhiều từ chế độ ăn uống, vì vậy yêu cầu trước khi lấy mẫu làm xét nghiệm này là cần nhịn ăn trong vòng 8 tiếng trước khi lấy máu để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin nên ngừng dùng thuốc trước khi xét nghiệm

Nếu bệnh nhân tiến hành làm xét nghiệm insulin cùng với nghiệm pháp đường thì cần lấy máu làm xét nghiệm trước khi thực hiện nghiệm pháp đường. 

Để được biết thêm thông tin bổ ích hãy liên hệ với Trung tâm xét nghiệm Y khoa Dr.Labo.
Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.