Xét nghiệm là gì và các loại xét nghiệm thường dùng nhất

12 Tháng Mười Hai, 2021

Xét nghiệm máu là các loại xét nghiệm được thực hiện trên các mẫu máu được lấy vào các ống chống đông khác nhau tùy mục đích xét nghiệm, nhằm đo hàm lượng một số chất nhất định trong máu hoặc đếm các loại tế bào máu khác nhau. Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ chẩn đoán bệnh hoặc tìm kiếm các tác nhân gây bệnh, kiểm tra kháng thể hoặc sàng lọc ung thư sớm nhờ các dấu hiệu của khối u (tumor marker) hoặc để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.. Vậy xét nghiệm là gì?

1. Xét nghiệm là gì?

Xét nghiệm là một công cụ hoặc thủ tục y tế được sử dụng trong quá trình thăm khám, điều trị hay theo dõi bệnh tật. Với bác sĩ, xét nghiệm là công cụ hỗ trợ đắc lực, đặc biệt là trong các bệnh có ít triệu chứng cơ năng hoặc triệu chứng không rõ ràng, không đặc hiệu hoặc trong sàng lọc cộng đồng.

Xét nghiệm có vai trò quan trọng trong y học hiện đại

Với sự phát triển của y học hiện đại, rất nhiều loại xét nghiệm đã được nghiên cứu và sử dụng cho những mục tiêu cụ thể về chẩn đoán và theo dõi bệnh. Mỗi loại xét nghiệm đưa ra kết quả khác nhau, có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. 

Số xét nghiệm hiện nay là vô cùng nhiều, rất khó để liệt kê đầy đủ tất cả xét nghiệm được sử dụng, song có thể chia thành các nhóm theo cách thức khác nhau như:

Các loại xét nghiệm theo phương pháp

Mỗi loại xét nghiệm có những phương pháp thực hiện riêng, có thể phân loại thành các nhóm như:

  • Xét nghiệm theo phương pháp định tính thành phần có trong dịch tiết, máu hay nước tiểu.
  • Xét nghiệm phương pháp định lượng.
  • Xét nghiệm phương pháp sinh học phân tử như PCR.
  • Xét nghiệm theo phương pháp miễn dịch huỳnh quang.
  • Xét nghiệm phương pháp tế bào học.
  • Xét nghiệm nuôi cấy vi sinh để xác định sự cố mặt của vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm.
  • Xét nghiệm phương pháp khuếch đại gen.

Xét loại xét nghiệm loại mẫu

Xét nghiệm có thể thực hiện trên nhiều loại mẫu khác nhau của cơ thể, thường là mẫu máu, nước tiểu, mẫu dịch tiết hô hấp, mẫu mô tế bào, lông tóc móng hay chất tiết khác của cơ thể,… 

2. Những loại xét nghiệm thường thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát

Hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh, song phổ biến và được nhiều quan tâm, tìm hiểu là các xét nghiệm trong khám sức khỏe tổng quát. Đây là những xét nghiệm tương đối đơn giản song có thể thể hiện khái quát tình trạng sức khỏe và nguy cơ mắc các bệnh lý thường gặp.

Cụ thể những xét nghiệm thường thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát bao gồm:

2.1. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nói chung là xét nghiệm cơ bản, song trong mẫu máu có thể phân tích rất nhiều thành phần, hợp chất sinh học tiết lộ tình trạng sức khỏe và bệnh lý cụ thể. Trong khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu thường bao gồm:

Xét nghiệm máu là xét nghiệm cơ bản nhưng có vai trò quan trọng

Xét nghiệm huyết học: gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu: xét nghiệm kiểm tra các thành phần máu cơ bản như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu,… Từ đó bác sĩ có thể đánh giá người bệnh có bị thiếu máu, tăng bạch cầu bất thường do nhiễm trùng hay các bất thường về thành phần máu khác.
  • Xét nghiệm nhóm máu: Xét nghiệm xác định nhóm máu là rất cần thiết, là thông tin y tế gắn liền với người bệnh nhằm chủ động trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân sẽ được truyền máu nhanh chóng.

Xét nghiệm sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa máu cũng thực hiện trên mẫu máu thông thường, song sẽ định lượng các chỉ số sinh hóa thể hiện chức năng quan trọng của các cơ quan hoặc bệnh lý thường gặp. Cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm mỡ máu: Xét nghiệm định lượng các chỉ số mỡ máu như cholesterol toàn phần, LDL – Cholesterol, HDL – Cholesterol, Triglyceride.
  • Xét nghiệm Acid uric trong máu: Đánh giá nguy cơ mắc bệnh Gout.
  • Xét nghiệm chức năng gan qua các chỉ số men gan như ALT, AST, GGT, xét nghiệm định lượng Bilirubin.
  • Xét nghiệm chức năng thận qua các chỉ số như Ure, Creatinin trong máu,…
  • Xét nghiệm sắt, canxi, điện giải đồ,…
  • Xét nghiệm miễn dịch: viêm gan B, viêm gan C.
  • Xét nghiệm nội tiết, hormon như TSH, FT3, T3,…
  • Xét nghiệm sinh học phân tử: HBV-DNA,…

2.2. Xét nghiệm nước tiểu

Ngoài xét nghiệm máu và sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu cũng là một trong những xét nghiệm cơ bản thường thực hiện trong khám chữa bệnh lâm sàng. Các chỉ số định lượng trong nước tiểu giúp đánh giá chức năng và tình trạng hoạt động của các cơ quan như gan, tụy, thận, cơ quan bài tiết,…

Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá hoạt động của nhiều cơ quan

2.3. Xét nghiệm khác

Các xét nghiệm chuyên sâu hơn cũng có thể thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát, sàng lọc bệnh lý sớm như:

  • Xét nghiệm tầm soát ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư tiền liệt tuyến,…
  • Xét nghiệm vi sinh, ký sinh trùng: Kiểm tra tình trạng nhiễm vi sinh vật gây bệnh như soi tươi dịch âm đạo, ký sinh trùng sốt rét, HP dạ dày,…
  • Xét nghiệm di truyền như: nhiễm sắc thể đồ.

Khi ngày càng nhiều người quan tâm hơn về chăm sóc sức khỏe, sàng lọc bệnh lý sớm thì khám sức khỏe tổng quát cũng trở nên phổ biến hơn. Hiểu về ý nghĩa của các loại xét nghiệm giúp mỗi chúng ta chủ động và hiểu hơn vai trò của khám sức khỏe quan trọng như thế nào trong sàng lọc bệnh.

3. Xét nghiệm dương tính hay âm tính thể hiện điều gì?

Kết quả xét nghiệm có thể trả về dưới dạng chỉ số nếu định lượng một nhóm chất nào đó hoặc là âm tínhhay dương tính với mầm bệnh cụ thể. Nếu trả về ở dạng chỉ số, sẽ cần so sánh với mức chỉ số bình thường để thấy có bất thường hay không, đôi khi cần kết hợp nhiều kết quả để kết luận chính xác.

Còn xét nghiệm dương tính hay âm tính cho thấy bạn đang mang mầm bệnh hoặc không trong cơ thể. Vẫn có trường hợp dương tính giả hay âm tính giả, nghĩa là kết quả xét nghiệm không thể hiện tình trạng mắc bệnh chính xác. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm như: các chất kích thích hoặc thuốc điều trị, giai đoạn bệnh, cách lấy mẫu và xét nghiệm, đặc tính của loại xét nghiệm,…