XÉT NGHIỆM RF

26 Tháng Tư, 2023

RF (Rheumatoid factors) hay còn gọi là yếu tố dạng thấp, là các kháng thể chống lại vùng Fc của immunoglobulin G. RF được phát hiện lần đầu ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cách đây 70 năm, chúng cũng có thể được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn và không tự miễn khác, cũng như ở những người khỏe mạnh.

1. Thông tin về xét nghiệm RF

Yếu tố dạng thấp là các protein được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của bạn có thể tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể bạn. RF là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán phân biệt các bệnh về khớp. Trong thực hành lâm sàng, nên kết hợp định lượng anti CCP và RF cùng nhau, vì sự kết hợp giữa hai xét nghiệm này giúp cho việc chẩn đoán chính xác đặc biệt trong trường hợp thấp khớp sớm và theo dõi, lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp.

Waaler đã mô tả một loại kháng thể chống lại gamma-globulin huyết thanh thúc đẩy quá trình ngưng kết của các tế bào hồng cầu cừu nhạy cảm bằng các liều kháng thể thỏ không ngưng kết vào năm 1940, mặc dù trước đây nó đã được Kurt Meyer tìm thấy ở bệnh nhân xơ gan và viêm phế quản mãn tính vào năm 1922. Năm 1948, Rose mô tả các kháng thể này ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp (RA: Rheumatoid Arthritis), và vào năm 1952, chúng cuối cùng được đặt tên là RFs, vì mối liên hệ của chúng với RA (Rheumatoid Arthritis).

RF thường được phát hiện ở những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn hệ thống như lupus ban đỏ, viêm đa cơ, nhiễm trùng mạn tính, xơ gan,… Những bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren và những bệnh nhân mắc chứng cryoglobulin máu hỗn hợp loại II và loại III (thường liên quan đến HCV) có hiệu giá kháng thể RF cao nhất.

Khoảng 60% bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren nguyên phát dương tính với RF, ở nam giới nồng độ RF IgA cao hơn nữ. Mặc dù RF có thể được phát hiện ở những bệnh nhân mắc các bệnh mô liên kết khác, nhưng RF hữu ích trong việc quản lý bệnh nhân viêm khớp dạng thấp từ thời điểm chẩn đoán cho tới khi quyết định lựa chọn chiến lược điều trị. Xét nghiệm RF ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có độ nhạy từ 60 – 90% và độ đặc hiệu là 85%.

Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích vai trò quan trọng có thể có của RF trong viêm khớp dạng thấp, bao gồm khả năng tăng thải trừ các phức hợp miễn dịch của đại thực bào, cải thiện độc tính tế bào của các kháng thể kháng virus và tăng thải trừ của ký sinh trùng. RF tăng cường khả năng trình diện kháng nguyên đối với tế bào T bằng cách tế bào đuôi gai hấp thụ phức hợp miễn dịch với kháng nguyên ngoại sinh và bằng tế bào RF B.

2. Vai trò của RF trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

Từ lâu người ta đã công nhận RF đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán phân biệt viêm đa khớp, vì chúng có thể giúp xác định bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Từ năm 1987 xét nghiệm RF đã là một trong những tiêu chí phân loại cho bệnh viêm khớp dạng thấp, cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại viêm khớp dạng thấp và đã được xác nhận bởi các tiêu chí cập nhật. Các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm này cho những người có triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Cứng khớp
  • Tăng đau khớp và cứng khớp vào buổi sáng
  • Nốt sần dưới da
  • Sưng khớp
  • Nóng, đỏ da vùng khớp viêm

Tuy nhiên để tăng độ đặc hiệu của tiêu chí phân loại viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm anti CCP đã được thêm vào. Một phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng độ nhạy của anti CCP và RF là tương tự nhau. Kết hợp anti CCP và RF độ nhạy tăng cao, vì các kháng thể bổ sung cho nhau, đặc biệt đối với viêm khớp dạng thấp phát hiện sớm. Ngoài ra, trong viêm khớp dạng thấp có thể làm thêm các xét nghiệm như: Kháng thể kháng nhân (ANA), CRP, tốc độ máu lắng (ESR).

3. Vai trò của RF trong việc điều trị và tiên lượng bệnh viêm khớp dạng thấp


Việc phát hiện RF rất hữu ích, nó như một chỉ số tiên lượng và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều trị ức chế miễn dịch có thể làm giảm nồng độ RF trong huyết thanh đi đôi với việc giảm triệu chứng lâm sàng ở những bệnh nhân được điều trị. Tuy nhiên, vai trò của RF trong việc theo dõi hoạt động của bệnh và đáp ứng điều trị còn hạn chế. Nồng độ RF trong huyết thanh tăng cao nên là yếu tố dự báo về tình trạng bệnh nặng hơn.

Chỉ số RF bình thường: RF < 14 IU/mL. Tuy nhiên, kết quả RF âm tính cũng không loại trừ bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như hội chứng Sjogren. Có khoảng 20% những người bị viêm khớp dạng thấp và những người có hội chứng Sjogren có xét nghiệm RF âm tính. Xét nghiệm dương tính cũng có thể nhìn thấy ở những người khỏe mạnh hay ở những người viêm nội tâm mạc, lupus, bệnh lao, giang mai,…Vì vậy khi có kết quả RF, các bác sĩ sẽ phối hợp với các triệu chứng lâm sàng và tiền sử để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp hay các bệnh khác.

Để được biết thêm thông tin bổ ích hãy liên hệ với Trung tâm xét nghiệm Y khoa Dr.Labo.
Dr.Labo là Trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tận nơi, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xét nghiệm. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Bạn chỉ cần gọi điện đặt hẹn lấy máu xét nghiệm tận nơi qua số điện thoại: 083.7755.383 hoặc 024.73.088.288.
Dịch vụ xét nghiệm tận nơi giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, xoá tan những lo lắng, hoang mang không cần thiết, làm cho cuộc sống chất lượng hơn.