1. Nước dừa
Nước dừa là chất lỏng ở bên trong quả dừa. Nước dừa đã trở thành một trong những loại đồ uống phổ biến nhất với giá rất bình dân ở các quốc gia châu Á. Hiện nay, nước dừa còn được đóng chai và bán trên toàn thế giới.
Nước dừa có lượng đường tự nhiên thấp và chứa nhiều loại chất điện giải như natri, kali, canxi và magiê với khoảng 48 calo cho 250ml nước dừa. Trong trường hợp bị tiêu chảy, nước dừa là giải pháp bù nước tuyệt vời cho cơ thể.
2. Sữa
Khi nói đến các loại nước bù điện giải, có thể ít người nghĩ đến sữa bò. Ngoài việc cung cấp nhiều chất điện giải như canxi, natri và kali, sữa bò còn là một sự kết hợp lành mạnh giữa carbohydrate và protein. Hai chất dinh dưỡng đa lượng này có thể bổ sung năng lượng và thúc đẩy quá trình hồi phục mô cơ sau khi tập luyện thể thao. Theo một số nghiên cứu, những đặc điểm trên giúp sữa trở thành thức uống có thể dùng sau khi tập thể thao thay vì các loại nước chuyên dụng vốn đắt tiền hơn.
Tùy sở thích cá nhân, bạn có thể chọn sữa nguyên chất, ít béo hoặc tách kem nếu chỉ chú trọng đến hàm lượng chất điện giải, carbohydrate và protein.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc sử dụng sữa bò thường xuyên có thể không phù hợp với tất cả mọi người, như người đang theo chế độ ăn thuần chay hoặc không dung nạp với các sản phẩm từ sữa. Nếu bạn thuộc trường hợp thứ hai và vẫn muốn dùng sữa, hãy chọn loại không có đường sữa lactose.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng protein trong sữa đậu nành có khả năng hỗ trợ hồi phục cơ bắp và cung cấp chất điện giải tương tự như sữa bò. Do đó, người ăn chay có thể lựa chọn sữa đậu nành để thay thế.
3. Nước dưa hấu và các loại nước ép trái cây khác
Nước dưa hấu đơn giản chỉ là nước ép nguyên chất từ ruột quả dưa hấu. 237ml nước ép dưa hấu nguyên chất sẽ cung cấp gần 6% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV) cho kali và magiê và một lượng nhỏ các chất điện giải khác như canxi và phốt-pho. Nước ép dưa hấu cũng chứa L-citrulline. Khi được dùng dưới dạng bổ sung, axit amin này có thể tăng cường lưu thông oxy trong cơ thể, giúp đạt hiệu suất tập luyện thể thao. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cho thấy lượng L-citrulline tự nhiên trong nước ép dưa hấu thông thường có thể không đủ để cải thiện hiệu suất tập thể thao (đến mức độ đo lường được).
Ngoài dưa hấu, các loại nước ép trái cây khác như cam cũng có thể là một nguồn điện giải tốt với kali, magiê và phốt-pho. Hãy lưu ý chọn loại nguyên chất 100% để tận dụng nguồn vitamin và chất chống oxy hóa tuyệt vời có trong trái cây.
Tuy vậy, nhược điểm chính của việc sử dụng nước ép trái cây làm thức uống thay thế chất điện giải là chúng có hàm lượng natri thấp. Nếu bạn bị ra mồ hôi trong một thời gian dài nhưng lại cố bù nước bằng các thức uống không chứa natri, bạn có nguy cơ bị hạ natri máu.
4. Sinh tố
Sinh tố là một phát minh tuyệt vời cho sức khỏe. Bạn có thể pha trộn nhiều loại nước giàu chất điện giải lại với nhau. Những thực phẩm nguyên chất như trái cây, rau, củ, hạt, các loại đậu và các sản phẩm từ sữa đều có thể kết hợp để tạo ra một món sinh tố thơm ngon và bổ dưỡng. Thậm chí có loại không hề quá đắt tiền và bạn còn có thể uống hằng ngày.
Nếu bạn đang cảm thấy đau bụng khó chịu, cơ thể hao hụt nhiều chất điện giải thì một ly sinh tố có thể giúp dễ tiêu và ngon miệng hơn thay vì ăn các món ăn từ những loại thực phẩm nói trên.
Sinh tố cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những người tập luyện thể thao cần phục hồi sức khỏe. Chúng không chỉ bổ sung các chất điện giải bị mất mà còn là một cách tốt để hỗ trợ sự phát triển và tái tạo mô cơ. Tuy nhiên, uống một ly sinh tố để bù điện giải giữa giờ tập không phù hợp vì sinh tố có thể khiến bạn có cảm giác no bụng. Nếu bạn đang luyện các bài tập nặng hay đòi hỏi sức bền, bạn có thể dùng sinh tố trong ít nhất 1 giờ trước hoặc ngay sau khi tập.
5. Nước chứa điện giải
Nước chứa điện giải sẽ là một giải pháp tuyệt vời do chúng ít calo, đủ để bổ sung chất điện giải và giữ cho cơ thể không mất nước. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nước chứa điện giải đều có công thức giống nhau. Hiện tại, bạn có thể dễ dàng tìm mua những sản phẩm nước đóng chai chứa điện giải (hay còn gọi là nước bổ sung ion). Đây là lựa chọn nhanh và đơn giản, tuy nhiên chúng thường không đi kèm với giá bán bình dân.
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng thành phần của những loại nước này cũng có thể chứa cả đường. Do đó, nếu không có nhu cầu thêm đường hay calo, bạn cần đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm để chọn loại nước phù hợp nhé!
6. Viên uống điện giải
Viên uống điện giải là một cách thuận tiện, rẻ và rất “cơ động” để cân bằng điện giải. Tất cả những gì bạn cần phải làm chỉ là thả viên sủi bù điện giải này vào một ít nước, lắc hoặc khuấy để hòa tan hoàn toàn.
Hầu hết các viên uống điện giải đều có chứa natri, kali, magiê và canxi, mặc dù hàm lượng chính xác có thể khác nhau tùy thuộc vào nhãn hiệu. Chúng thường không nhiều calo, có ít hoặc không có đường. Một số loại còn có thêm nhiều hương vị trái cây độc đáo hay có thể chứa caffeine hoặc vitamin, vì vậy hãy đọc kỹ thông tin sản phẩm để chọn cho mình loại viên sủi bù điện giải phù hợp.
7. Đồ uống thể thao
Nước là thành phần chính trong đồ uống thể thao (sport drinks) nhưng loại nước này cũng chứa các chất khác như carbohydrate, chất điện giải. Carbohydrate trong các loại đồ uống này thường ở dạng đường như glucose, sucrose và fructose… Đồ uống thể thao là lựa chọn của các vận động viên cần sức bền. Đây là những người cần sự kết hợp của các loại carbohydrate, nước và chất điện giải dễ tiêu để tránh mất nước và tăng năng lượng trong suốt một sự kiện thể thao hoặc một buổi tập cường độ cao.
Tuy nhiên, đồ uống thể thao cũng có một số nhược điểm lớn. Chúng có xu hướng chứa nhiều màu nhân tạo, hương vị tổng hợp và đường. Những thành phần này thực sự không cần thiết cho cơ thể, dù người dùng có phải là một vận động viên hay không.
Loại đồ uống thể thao không đường cũng không hoàn toàn là sự lựa chọn thay thế tốt. Mặc dù chúng không chứa đường và có ít calo hơn nhưng chúng thường chứa cồn hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Những chất ngọt này có thể góp phần gây ra các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi khó chịu.
8. Tự làm nước bù điện giải
Bật mí một bí mật nhỏ, bạn cũng có thể tự làm một loại nước chứa điện giải tại gia gọi là nước detox. Hãy sử dụng nước lọc (nước đun sôi để nguội) và thêm vào đó các loại trái cây cùng thảo mộc tươi. Nhiều người có thói quen tự pha nước detox rồi chia nhỏ thành nhiều chai để uống trong nhiều lần. Tuy nhiên, bạn nên tránh việc dùng nước cũ từ ngày hôm trước. Cách tốt nhất là pha ngày nào thì bạn hãy dùng hết trong ngày hôm đấy.
Ngoài ra, bạn có thể pha nước muối – đường theo tỷ lệ 1 thìa cà phê muối với 8 thìa đường và 1 lít nước. Dùng 1 lít nước dừa và một chút muối cũng có thể tạo ra 1 loại nước bù điện giải tốt cho sức khỏe mà không cần phải thêm đường hay bất kỳ thành phần nhân tạo nào.
Tóm lại, để bảo đảm cho cơ thể hoạt động tốt, bạn phải duy trì đủ lượng nước và chất điện giải ở mọi lúc. Hầu hết chúng ta chỉ cần một chế độ ăn uống cân bằng và uống đủ nước là có thể duy trì mức điện giải cần thiết.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị mất nước nhanh do đổ mồ hôi hoặc bệnh tật, bạn cần phải sử dụng nước bù điện giải. Hãy lắng nghe nhu cầu của bản thân và tìm hiểu để lựa chọn cho mình một loại nước bù điện giải thích hợp nhất nhé!