Cần lưu ý những gì trước và sau khi nhổ răng khôn?

12 Tháng Mười, 2022

1. Thế nào là răng khôn? 

Răng khôn hay răng số 8 là răng mọc ở vị trí phía sâu nhất trong cung hàm. Không giống với những chiếc răng khác, một người chỉ mọc răng này khi đã đến tuổi trưởng thành. 

Răng khôn hay răng số 8 mọc ở vị trí trong cùng của cung hàm

Việc mọc loại răng này thường khiến bạn có cảm giác đau nhức và khó chịu bởi lúc này lợi đã cứng, đồng thời cấu trúc xương hàm cũng đã ổn định. Không chỉ đau nhức mà chiếc răng này trong quá trình mọc thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, với các trường hợp này thì cần nhổ bỏ.

Việc nhổ chỉ được tiến hành nếu răng này nằm trong các trường hợp như sau:

– Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, tình trạng viêm nhiễm diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

– Xuất hiện các ổ mủ trong khoang miệng đi kèm khi răng mọc.

– Lợi đau rát, sưng phồng do răng mọc kẹt, mọc ngầm hoặc bị lệch. 

– Lệch hàm nhai và hàm đối diện khiến răng trồi dài bất thường. 

– Kích thước của răng quá nhỏ hoặc quá to. 

– Răng bị sâu trong quá trình mọc nhú do mảng bám thức ăn tích tụ. 

Ngoài những trường hợp kể trên, bạn cũng có thể được chỉ định nhổ răng khôn để phục vụ cho việc chỉnh hình gương mặt, cằm, hàm hoặc điều trị một số bệnh lý khác. Bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định trực tiếp nhổ nếu cần thiết.

2. Nhổ răng khôn có đau không?

Hầu hết mọi người khi có kế hoạch nhổ bỏ răng khôn đều có chung thắc mắc này. Có thể nói, quá trình nhổ răng sẽ gây ra cảm giác đau tương đối. Lý do là bởi: 

– Răng mọc khi một người đã trưởng thành, đồng nghĩa với việc lượng canxi trong cơ thể ở mức ổn định cao. Do đó, thường chân của loại răng này sẽ chắc hơn các răng còn lại. 

– Do liên kết trực tiếp với nhiều dây thần kinh nên răng này nhạy cảm hơn răng ở các vị trí khác. 

Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của y khoa cảm giác đau khi nhổ răng khôn đã trở thành vấn đề không quá đáng lo ngại. Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê để giảm bớt đau đớn cho người bệnh, đồng thời sử dụng các loại công nghệ mới như máy laser, máy hút chân không,… để rút ngắn bớt thời gian nhổ răng. 

Quá trình nhổ răng khôn không còn quá đau nhờ vào kỹ thuật y khoa hiện đại

Vì vậy, việc nhổ răng sẽ không quá đau nên bạn có thể hoàn toàn an tâm. 

3. Nhổ răng khôn được tiến hành theo quy trình thế nào?

3.1. Thăm khám tổng quát

Ngay khi loại răng này đang nhú bạn nên báo ngay với bác sĩ nha khoa. Như vậy, quá trình răng mọc sẽ được bác sĩ theo dõi chi tiết hơn. Để kiểm tra xem có cần thiết phải nhổ bỏ hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng. 

Trước tiên, bác sĩ sẽ xác định hướng và vị trí mọc của răng, từ đó trao đổi cụ thể hơn với bạn về các phương hướng giải quyết sao cho đảm bảo an toàn nhất. Bạn sẽ được chụp phim X-quang răng để đánh giá tình trạng răng số 8. 

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng trước khi quyết định nhổ răng khôn

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho quá trình nhổ răng khôn, xét nghiệm máu sẽ được chỉ định tiến hành để kiểm tra tình trạng đông máu của bạn. 

Một số trường hợp không được thực hiện nhổ răng khôn như người bị bệnh rối loạn đông máu hay bệnh tim mạch. Do đó, bạn cần thông báo trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân và các bệnh lý (nếu có).   

3.2. Tiến hành tiểu phẫu loại bỏ răng khôn

– Để làm giảm bớt cảm giác đau đớn cho người bệnh bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ hoặc gây mê (trong trường hợp cần thiết). Thời gian gây tê có hiệu lực trong vòng 1,5 tiếng. 

– Quá trình rạch nướu, lấy thân và chân răng ra khỏi hàm thường chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút. Trừ trường hợp răng mọc phức tạp sẽ cần can thiệp máy cắt để cắt nhỏ răng thành nhiều phần, từ đó dễ dàng lấy ra ngoài hơn. 

– Bác sĩ có thể sử dụng chỉ thường hoặc chỉ nha khoa tự tiêu tùy từng trường hợp cụ thể.

4. Cần lưu ý những gì sau khi nhổ răng khôn? 

4.1. Nếu cần thiết, có thể sử dụng thuốc giảm đau hỗ trợ

Để có thể phục hồi hoàn toàn, người bệnh sẽ cần từ 1 – 2 ngày. Thời gian này, tình trạng sưng lợi có thể xuất hiện và gây cảm giác đau nhức dữ dội, thậm chí là sốt cao khó hạ. 

Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết

Khi thấy những dấu hiệu bất thường như đau, sưng hàm thì bạn nên tái khám để được kiểm tra lại. 

4.2. Chế độ ăn uống phù hợp

Việc ăn uống của người bệnh cần được tiết chế sau khi nhổ răng. Để hỗ trợ quá trình phục hồi và lành nướu cũng như mô xương hàm, bạn nên bổ sung các loại thức ăn lỏng chứa nhiều canxi. Đặc biệt tránh ăn các loại thức ăn dai, cứng và hoa quả có tính axit cao (như cam, chanh,…). Tốt nhất là hạn chế các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ. 

 Bổ sung các loại thức ăn lỏng chứa nhiều canxi sau khi nhổ răng

Sau khi làm tiểu phẫu nhổ răng, vết khâu nướu của bạn còn rất nhạy cảm. Do đó, không nên ăn khi đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng. 

Tuyệt đối tránh các loại đồ uống có cồn như rượu bia hay các chất kích thích bao gồm thuốc lá, thuốc lào,…

4.3. Chế độ sinh hoạt khoa học

Để vết khâu nhanh chóng phục hồi sau tiểu phẫu, bạn nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tối thiểu 2 ngày. Ngoài ra, bạn chỉ nên cười đùa và nói chuyện nhẹ nhàng trong thời gian này. Lưu ý tuân thủ nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa về vấn đề chăm sóc và vệ sinh răng miệng.