Chế độ ăn mùa dịch tránh tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

30 Tháng Mười Hai, 2021

Dinh dưỡng là một trong các phương pháp điều trị đầu tiên, cơ bản và lâu dài với các bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số người tử vong do mắc COVID-19 tăng cao hơn ở nhóm có mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …).

Do vậy, dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường không những duy trì mục tiêu điều trị mà còn hỗ trợ, cải thiện sức đề kháng cần được quan tâm thích đáng hơn nữa.

1. Vì sao bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn khi nhiễm Covid-19?

1.1. Bệnh tiểu đường là gì?

 Bệnh tiểu đường chính là tình trạng rối loạn bài tiết insulin hoặc do giảm tác dụng chuyển hóa của insulin dẫn tới glucose trong máu tăng cao. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như các vấn đề về tim mạch, về mắt, não và thận,…

Bệnh nhân tiểu đường dễ gặp biến chứng nguy hiểm nhất nếu nhiễm bệnh Covid-19

Bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở mọi đối tượng và được phân loại thành các dạng bệnh như sau: 

– Bệnh tiểu đường tuýp 1: Thường là do tuyến tụy bị giảm hoặc mất khả năng sản xuất insulin, dẫn tới thiếu hụt insulin và người bệnh cần phải tiêm insulin để bù lại lượng insulin bị tiếu. 

– Bệnh tiểu đường tuýp 2: Đây là dạng tiểu đường phổ biến. Bệnh xảy ra khi cơ thể thể của người bệnh bị kháng insulin hay có thể hiểu là mất khả năng đáp ứng lại với insulin. Để khắc phục điều này, cơ thể sản xuất ra nhiều insulin hơn. Nhưng về lâu dài, tình trạng này có thể khiến tuyến tụy gặp áp lực do phải sản xuất quá nhiều insulin, dẫn đến tế bào bị phá hủy và cuối cùng là giảm sản lượng insulin. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng và lối sống thiếu khoa học. 

Bên cạnh đó còn có dạng tiểu đường thai kỳ: Là tình trạng phụ nữ bị rối loạn dung nạp glucose trong thời kỳ mang thai. 

1.2. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ nặng hơn khi nhiễm Covid-19

Khi vi khuẩn, virus tấn công cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ giúp chúng ta chống lại những tác nhân gây bệnh này. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường thì hệ miễn dịch của người bệnh thường hoạt động kém hơn so với những người không mắc bệnh.

Chính vì thế, virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người bệnh, phát triển mạnh hơn và gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể, nhất là phổi. Nếu bệnh nhân tiểu đường đã gặp phải biến chứng như suy gan,suy thận và suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch thì họ có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nhất nếu nhiễm bệnh Covid-19. 

2. Hướng dẫn chế độ ăn mùa dịch tránh tăng đường huyết hiệu quả

Đối với bệnh nhân tiểu đường, chế độ ăn có tác động rất lớn với sức khỏe người bệnh. Nếu chế độ ăn không hợp lý có thể khiến tăng đường huyết dẫn tới tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Ngược lại nếu có một chế độ ăn mùa dịch tránh tăng đường huyết, bệnh nhân không chỉ kiểm soát tốt tiểu đường mà còn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh.  

  • Nguyên tắc ăn uống đối với bệnh nhân tiểu đường:

– Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày: Đây là phương pháp có thể giúp bệnh nhân tiểu đường bị tăng đường huyết đột ngột. 

– Không nên ăn quá no hoặc ăn quá đói. 

– Không nên thay đổi chế độ ăn và lượng thức ăn quá đột ngột. 

– Không nên nằm ngay sau khi ăn mà cần đi lại, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn. 

– Người bệnh cần hiểu được thể trạng sức khỏe của mình và biết cách bổ sung cân đối lượng dinh dưỡng cần thiết để tránh tình trạng thừa cân, béo phì. 

  • Trong chế độ ăn mùa dịch tránh tăng đường huyết, người bị bệnh tiểu đường nên bổ sung những thực phẩm dưới đây:

Nhóm đường bột: Người bệnh nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đỗ, gạo lứt, rau củ,… các thực phẩm này nên được chế biến bằng cách hấp, luộc. Nếu ăn khoai và sắn, người bệnh cần cắt bớt lượng cơm hàng ngày vì khoai, sắn là những thực phẩm cũng chứa nhiều tinh bột. 

Nhóm thịt cá: Người bệnh nên ăn các loại cá, thịt lợn nạc, thịt gia cầm nhưng cần bỏ da, lọc mỡ, đồng thời nên chế biến bằng phương pháp hấp hoặc luộc.

Nhóm chất béo, đường: Nên tiêu thụ một số thực phẩm như dầu đậu nành, dầu oliu, vừng,…

Nhóm rau củ quả: Bệnh nhân nên ăn nhiều rau củ và trái cây, nên ăn sống hoặc hấp luộc, không nên cho thêm sốt hoặc các loại kem bơ. Đối với trái cây, hạn chế ăn các loại quả chín ngọt, nhất là quả sầu riêng, xoài chín,…

Tránh ăn những loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ

Bệnh nhân có thể lưu ý về tỷ lệ thành phần dinh dưỡng trong các bữa ăn như sau: 

  • Protein: Nên dung nạp với tỉ lệ 1- 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tương đương với 15- 20% năng lượng khẩu phần.
  • Lipit: Tỷ lệ chất béo hợp lý nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, đồng thời cần hạn chế các axit béo bão hòa. 
  • Gluxit: Nên ở mức từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường. Thành phần này có nhiều trong gạo lức, yến mạch, bánh mì đen, các loại đậu nguyên hạt,…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần kiêng ăn những loại thực phẩm như cơm trắng, thực phẩm chứa nhiều cholesterol, thịt mỡ, các loại nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, các loại bánh kẹo ngọt, các loại hoa quả sấy khô,…

Nên tập luyện để tránh tình trạng thừa cân, tăng đường huyết

Trên đây là những hướng dẫn về chế độ ăn mùa dịch tránh tăng đường huyết  dành cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân còn cần phải loại bỏ những thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe như thức khuya, ngủ không đủ giấc, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá,… Đồng thời, người bệnh tiểu đường cũng nên thường xuyên tập luyện thể thao, để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.