1. Vì sao khi thời tiết giao mùa lại dễ mắc các bệnh về đường hô hấp?
Lý do khiến giao mùa trở thành thời điểm nhiều người mắc phải các bệnh về đường hô hấp đó là:
- Thời tiết thay đổi kéo theo sự chuyển biến của các yếu tố khác như nhiệt độ (nóng sang lạnh, nắng sang mưa), độ ẩm, gió mùa tràn về,… Nhiệt độ biến động nhanh sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, ngoài ra virus cảm lạnh rất ưa điều kiện ẩm, lạnh của khí hậu chuyển mùa nên chúng sẽ có cơ hội phát triển và lây lan nhanh. Đặc biệt, hệ hô hấp chính là môi trường lý tưởng để mầm bệnh xâm nhập dễ dàng nên nhiều người sẽ gặp phải các biểu hiện như hắt hơi, sốt mũi, đau nhức đầu, ho, đau rát họng khi thay đổi thời tiết;
- Thời lượng ngày và đêm vào mùa lạnh cũng khác so với mùa nóng, ngày ngắn đêm dài, những ngày trời âm u mưa gió nhiều hơn ngày nắng ráo hanh khô và chúng ta cũng ít gặp ánh sáng mặt trời hơn khi vào mùa nắng nóng. Như mọi người đã biết thì ánh nắng có chứa tia cực tím, đây là một nhân tố giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Do đó sự vắng bóng của ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày mùa đông cũng là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh;
Trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa
- Mùa đông mọi người thường có thói quen ở trong nhà và đóng kín cửa nhiều hơn, tụ tập thành nhóm và ít khi vận động ngoài trời vì thời tiết có phần khắc nghiệt. Sự kém lưu thông không khí và thói quen nêu trên vô tình khiến virus gây bệnh đường hô hấp lây lan nhanh hơn.
2. Điểm danh các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa
2.1. Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp là cụm từ chỉ chung các bệnh nhiễm trùng xuất hiện tại đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, ví dụ như xoang, mũi, ngực, phổi, cổ họng. Tình trạng này có khi còn phát triển thành thể mạn tính tái phát nhiều lần vào mỗi thời điểm giao mùa trong năm.
“Thủ phạm” gây bệnh là do virus hoặc vi khuẩn. Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì bệnh nhân sẽ điều trị được bằng các loại kháng sinh, chống viêm tuy nhiên virus thì chủ yếu là điều trị triệu chứng phối hợp với tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ.
Tính đến nay đã có không ít các loại virus là nguyên nhân dẫn tới các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa. Chúng lây từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp khi ta hít phải những giọt bắn từ người nhiễm bệnh trong khi giao tiếp, khi họ ho, hắt hơi,… hoặc khi ta chạm bàn tay có dính giọt bắn vào mũi, mắt, miệng của mình. Ngoài ra virus cũng có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, vì thế cho nên nếu sờ phải bề mặt có chứa mầm bệnh thì nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp là rất cao.
Virus hoặc vi khuẩn là nguyên nhân gây nên các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa
Chúng ta có thể bắt gặp những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến khi thời tiết giao mùa như viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản, viêm mũi, viêm phổi và tái phát một số bệnh lý mạn tính như giãn phế quản, COPD – Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm xoang mạn tính,,…
2.2. Bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn sẽ tái phát với tính chất nghiêm trọng hơn khi giao mùa. Thời điểm mùa thu nhường chỗ cho mùa đông chính là giai đoạn tồi tệ nhất đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là các bệnh nhi vì có nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp phát triển trong thời điểm này. Thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9, tỷ lệ trẻ lên cơn hen phế quản thường tăng lên do các nguyên nhân chính sau:
- Đây là mùa tựu trường khi học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đều đi học trở lại cùng thời điểm với sự gia tăng lây nhiễm của các loại virus gây bệnh;
- Tỷ lệ nhiễm virus vào mùa thu đông đặc biệt cao trong cộng đồng.
Ngoài ra như đã đề cập, thời tiết thay đổi đồng nghĩa với việc là nhiệt độ, độ ẩm thay đổi, thậm chí là sự xuất hiện của các loài hoa cỏ khác, rồi mức độ ô nhiễm có thể gia tăng tù y vùng,…. là những yếu tố kích hoạt bệnh hen suyễn tái phát. Lý do là vì nhiều người bị hen suyễn sẽ bị dị ứng với các tác nhân khác nhau như phấn hoa, khói bụi,… và bệnh sẽ có dấu hiệu nặng hơn khi cơ thể bị nhiễm virus đường hô hấp.
3. Cách phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp khi giao mùa
Khi thời tiết thay đổi và bạn thường xuyên phải di chuyển ngoài trời thì hãy bỏ túi những lưu ý sau đây để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh đương đầu với các loại virus:
- Tắm hoặc rửa ráy bằng nước ấm ở nơi kín gió. Mỗi khi tắm xong hãy dùng khăn lau khô người rồi mới mặc quần áo;
- Khi trời lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng ngực, cổ và gan bàn chân;
- Tránh ngồi nhiều ở nơi có máy lạnh, quạt máy và không thức khuya. Thể dục, ăn uống điều độ mỗi ngày;
- Không hút thuốc lá, uống nước lạnh có đá. Bổ sung chất xơ và vitamin C qua rau xanh và hoa quả tươi;
- Vệ sinh sạch sẽ vùng miệng và vùng họng bằng cách đánh răng trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy và súc miệng bằng nước ấm;
Nhớ giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh để tránh mắc phải các bệnh về hô hấp
- Làm sạch khoang mũi họng bằng cách súc họng và rửa mũi với nước muối sinh lý 0,9%. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn để hạn chế nguy cơ lây bệnh;
- Tiêm phòng bệnh cúm trước khi bước vào mùa lạnh hàng năm giúp tăng đề kháng tránh mắc bệnh hoặc nếu có bị thì tình trạng cũng giảm nhẹ đi rất nhiều. Ngoài ra cần tiêm phòng phế cầu để phòng tránh nguy cơ nhiễm phế cầu;
- Không tự ý đi mua các loại thuốc, nhất là thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Có nhiều trường hợp còn dùng đơn thuốc của người khác để áp dụng cho mình và đổi thuốc cho đến khi cảm nhận được hiệu quả và khỏi bệnh. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì nguy cơ kháng kháng sinh là rất cao sẽ gây nên rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị sau này. Do vậy nếu có các triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp, hãy đi khám để được bác sĩ hướng dẫn và chỉ định điều trị.