Mỡ máu cao là loại bệnh lý đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại hiện nay, có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh. Khi có dấu hiệu bị mỡ máu cao, bạn nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm kiểm tra, từ đó điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, cao huyết áp, xơ vữa động mạch,…
1. Dấu hiệu của người bị mỡ máu cao
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh mỡ máu trở nên nguy hiểm là do bệnh phát triển âm thầm, người bệnh có rất ít hoặc thậm chí không có bất cứ triệu chứng bất thường nào. Đặc biệt hiện nay, mỡ máu cao đang có xu hướng phổ biến ở giới trẻ – đối tượng thường ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Khi không kiểm soát tốt, mỡ máu cao càng ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi bạn đã có những triệu chứng sau nghĩa là bệnh đã xuất hiện biến chứng, việc xét nghiệm và điều trị cần thực hiện càng sớm càng tốt.
1.1. Xuất hiện những cơn đau thắt ngực không thường xuyên
Đặc điểm của những cơn đau này là xảy ra trong thời gian ngắn, không thường xuyên, không cần điều trị cũng tự mất đi những dễ tái phát bất cứ lúc nào.
Khi nghỉ ngơi, những cơn đau thắt ngực sẽ thuyên giảm, ngược lại tăng khi làm việc gắng sức. Cơn đau này có thể lan ra các cơ quan khác như: hai bên cánh tay, đau lên cổ, hàm, đau vùng dạ dày hoặc hướng ra phía sau lưng.
1.2. Xuất hiện ban vàng dưới da hoặc các nốt phồng to bất thường
Các vùng da bất thường này có thể xuất hiện ở khuỷu tay, ngực, lưng, gót chân, bắp đùi,… Đặc điểm của chúng là xuất hiện ngày càng nhiều nhưng ko gây đau ngứa kể cả khi chạm vào.
1.3. Dấu hiệu bất thường khác
Mỡ máu cao cũng có thể gây ra những dấu hiệu sức khỏe bất thường như: buồn nôn, đau đầu, cảm giác bứt rứt trong người, hoa mắt chóng mặt, cơ thể phì mập, hay thở ngắn, thường xuyên mệt mỏi, giảm sức lao động,…
Những dấu hiệu mỡ máu cao này cho thấy biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cần xét nghiệm chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
2. Những cách đơn giản tại nhà để giảm mỡ máu
Với bệnh nhân bị mỡ máu cao, sử dụng thuốc là cần thiết để cải thiện chỉ số cholesterol trong máu ở ngưỡng cao. Tuy nhiên, với các bạn nằm trong nhóm nguy cơ hoặc chưa nhất thiết phải dùng thuốc, các chuyên gia khuyên bạn nên thử lối sống lành mạnh để kiểm soát mỡ máu.
2.1. Thói quen ăn thực phẩm tốt
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, trong đó có chỉ số mỡ máu, bạn chỉ cần duy trì 1 số lưu ý sau đây chắc chắn chỉ số sức khỏe này sẽ được giữ ở ngưỡng an toàn:
- Giảm chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có nhiều trong các loại thịt đỏ, sữa và chế phẩm từ sữa đầy đủ chất béo.
- Giảm chất béo chuyển hóa trans, nhất là dầu thực vật hydro hóa một phần có nhiều trong bánh quy và bơ thực vật.
- Tăng chất xơ hòa tan: có nhiều trong các loại thực phẩm như đậu thận, táo, lê, bột yến mạch, mầm brussels,…
- Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3: Chất béo này không những không làm tăng cholesterol xấu trong máu mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, có nhiều trong cá thu, cá hồi, hạt hạnh nhân, quả óc chó, cá trích,…
2.2. Tăng cường hoạt động thể chất và thể dục
Tập thể dục là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện chỉ số mỡ máu, nhất là ở những bệnh nhân mỡ máu cao. Tần suất luyện tập phù hợp được khuyến cáo là ít nhất 30 phút một lần, mỗi tuần 5 lần với các bài tập như: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe đạp,…
2.3. Bỏ hút thuốc lá
Hút thuốc lá đặc biệt gây hại cho sức khỏe của phổi, hơn nữa cũng khiến chỉ số mỡ máu của bạn tăng cao. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, ở người nghiện thuốc lá, sau khi bỏ thuốc 3 tháng, chức năng phổi và tuần hoàn máu đều có cải thiện rõ rệt.
Kết quả còn đáng kinh ngạc hơn ở người bỏ thuốc lá 1 năm, nguy cơ mỡ máu và bệnh tim mạch giảm chỉ còn 1 nửa so với khi bạn hút thuốc.
3. Xét nghiệm mỡ máu để tầm soát mỡ máu cao
Với căn bệnh diễn biến lặng lẽ nhưng biến chứng nguy hiểm như mỡ máu cao, xét nghiệm tầm soát định kỳ là cần thiết. Xét nghiệm này cũng được thực hiện trong các gói khám sức khỏe tổng quát định kỳ, vừa giúp bạn nắm được tình hình sức khỏe bản thân, vừa thay đổi lối sống lành mạnh hơn.