1. Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là thuật ngữ diễn tả tình trạng số lượng hồng cầu và huyết sắc tố thấp hơn so với tiêu chuẩn bình thường. Huyết sắc tố hay hemoglobin bản chất là một loại protein, thành phần còn rất giàu chất sắt và đóng vai trò hỗ trợ hồng cầu mang oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể. Thiếu hụt hay giảm số lượng hemoglobin là cơ chế quan trọng nhất dẫn đến bệnh lý thiếu máu và khiến người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, suy yếu, hay bị chóng mặt và đau đầu do quá trình cung cấp oxy cho các mô bị suy giảm.
Thiếu máu có nguy hiểm không? Bệnh lý này không bỏ qua bất kể đối tượng nào, bao gồm nam giới, nữ giới, trẻ em hay người cao tuổi. Do đó, tình trạng thiếu máu có thể gặp ở rất nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm nội ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và một số chuyên khoa nhỏ khác. Bệnh thiếu máu nếu để kéo dài mà không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy tim, thiếu máu não…
2. Phân loại các thể bệnh thiếu máu
Bệnh cảnh và nguyên nhân dẫn đến thiếu máu rất đa dạng, có thể bao gồm những thể sau:
- Thiếu máu do chảy máu: Bao gồm chảy máu cấp tính (như sau các chấn thương nặng, xuất huyết dạ dày – tá tràng…) hay mạn tính (như chảy máu rỉ ra do nhiễm giun móc, bệnh trĩ…);
- Thiếu máu do thiếu hụt các nguyên liệu tạo máu: Hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng. Các chất cần thiết cho quá trình tạo máu bao gồm sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C, protein…;
- Thiếu máu do rối loạn quá trình tạo máu: Liên quan đến các bệnh lý như suy tủy hay loạn sản tủy xương, tủy xương bị chèn ép bởi các tế bào ác tính hoặc ung thư di căn ung tủy xương;
- Thiếu máu do huyết tán: Bao gồm các bệnh lý hồng cầu (như bất thường cấu trúc màng, bệnh hồng cầu hình bia, thiếu hụt men G6PD, rối loạn huyết sắc tố trong thalassemia hay bệnh hồng cầu hình liềm…) hay nguyên nhân ngoài hồng cầu (như bệnh lý miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc, bỏng…)
3. Biểu hiện, triệu chứng của thiếu máu
Biểu hiện của thiếu máu rất đa dạng, bao gồm:
- Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức;
- Đột ngột ngất lịm, đặc biệt hay gặp ở người bị thiếu máu nhiều;
- Thiếu máu toàn thân có thể dẫn đến thiếu máu não, vậy thiếu máu não có nguy hiểm không. Các dấu hiệu thiếu máu lên não như đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính khí, hay cáu gắt, tê tay chân, suy giảm sức lao động (cả về trí óc lẫn chân tay);
- Hồi hộp, đánh trống ngực, có thể khó thở;
- Chán ăn, đầy bụng, ăn khó tiêu hoặc đau bụng, tiêu chảy, táo bón;
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt hoặc các trường hợp thiếu máu huyết tán có thể kèm theo da và niêm mạc vàng;
- Sạm da và niêm mạc nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hóa chất sắt. Màu sắc niêm mạc phản ánh chính xác tình trạng thiếu máu hơn màu sắc da;
- Lưỡi nhạt máu hoặc hơi vàng trong thiếu máu tán huyết, bựa bẩn khi thiếu máu do nhiễm trùng nặng, lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer;
- Gai lưỡi mòn hay mất khiến lưỡi nhẵn bóng kèm theo vết ấn răng, gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc;
- Rụng tóc, móng tay giòn dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía…;
- Tim đập nhanh có thể tạo nên tiếng thổi tâm thu do thiếu máu.
Quá trình chẩn đoán, phân loại và xác định nguyên nhân của tình trạng thiếu máu cần dựa vào các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, các xét nghiệm vẫn đóng vai trò quan trọng và quyết định hơn. Các xét nghiệm thường sử dụng để chẩn đoán thiếu máu bao gồm:
- Công thức máu toàn bộ: Kết quả cho biết số lượng các tế bào máu (như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), nồng độ, khối lượng, kích thước trung bình, sự thay đổi kích thước của huyết sắc tố hemoglobin trong tế bào hồng cầu;
- Một số xét nghiệm chuyên sâu hơn sẽ được chỉ định khi công thức máu cho thấy tình trạng thiếu máu, bao gồm kiểm tra hemoglobin, đếm hồng cầu lưới, định lượng nồng độ sắt dự trữ trong cơ thể và trong các tế bào máu.
4. Bệnh lý thiếu máu có nguy hiểm không?
Thiếu máu có nguy hiểm không là câu hỏi của rất nhiều người bệnh khi mắc phải bệnh lý này. Việc thiếu hụt huyết sắc tố hay tế bào hồng cầu có thể chỉ gây ra các dấu hiệu bất thường trong một thời gian ngắn và người bệnh sẽ có thể phục hồi khi các quá trình trong cơ thể được cân bằng lại. Tuy nhiên, đa số trường hợp thiếu máu sẽ trở thành một căn bệnh, từ đó gây nhiều ảnh hưởng đến chức năng của tất cả cơ quan trong cơ thể con người.
Các triệu chứng của thiếu máu đã đủ khiến cơ thể mệt mỏi và gây suy giảm chất lượng cuộc sống, chưa kể đến nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Rối loạn nhịp tim, nếu thiếu máu kéo dài không được điều trị sẽ tạo nguy cơ dẫn đến suy chức năng tim;
- Suy giảm hoặc đôi khi là mất khả năng sinh hoạt, làm việc, thậm chí có thể thường xuyên ngất xỉu đột ngột;
- Phụ nữ đang mang thai bị thiếu máu có thể tăng nguy cơ sinh non;
- Biến chứng nghiêm trọng nhất là tử vong, đặc biệt ở các trường hợp đột ngột mất một lượng máu quá lớn trong thời gian rất ngắn khiến cơ thể không thể hồi phục kịp thời.
5. Đối tượng nào dễ bị thiếu máu?
Những đối tượng sau đây được chứng minh là dễ bị thiếu máu:
- Trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ cao thiếu máu nếu chế độ ăn cung cấp không đủ chất sắt. Vậy trẻ em thiếu máu có nguy hiểm không? Bác sĩ chuyên khoa nhi sẽ kiểm tra và chẩn đoán chính xác liệu trẻ khi có bị thiếu máu hay không, từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Trẻ em thiếu máu nặng không được điều trị có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ rất nguy hiểm;
- Phụ nữ: Nguyên nhân một phần liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc thời kỳ thai kỳ… Các yếu tố này đều có khả năng ảnh hưởng và làm thay đổi lượng máu trong cơ thể;
- Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận có thể bị thiếu máu do suy giảm sản xuất hồng cầu;
- Tuổi vị thành niên vẫn có thể bị thiếu máu, đặc biệt ở những trẻ phát triển thể chất quá nhanh nhưng chế độ dinh dưỡng không đầy đủ các nhóm chất và khiến cơ thể thiếu hụt các nguyên liệu tạo máu.
6. Điều trị bệnh thiếu máu như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu mà người bệnh sẽ có biện pháp điều trị phù hợp:
- Những trường hợp thiếu máu do thiếu chất sắt cần phải tăng cường bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ bằng các chế phẩm bổ sung sắt. Lưu ý việc bổ sung dư thừa chất sắt có thể dẫn đến một số tác hại nguy hiểm. Các triệu chứng của tình trạng quá tải sắt bao gồm mệt mỏi, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, cảm giác khó chịu… Cùng với đó, người bệnh nên tăng lượng bổ sung chất sắt thông qua chế độ ăn uống hằng ngày bằng các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như các loại thịt đỏ, các loại đậu, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản…;
- Trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folate cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc tăng cường bổ sung vitamin B12 trong bữa ăn hằng ngày. Nguồn thực phẩm cung cấp nguồn vitamin B12 dồi dào bao gồm thịt, gan, thận, các loại cá, các loại ốc (như hàu, trai), sữa và chế phẩm từ sữa, trứng…;
Một số biện pháp điều trị chuyên khoa tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ cho những bệnh nhân thiếu máu, bao gồm:
- Một số người bệnh thiếu máu do bệnh thận mạn tính có thể phải tiêm hormone erythropoietin để kích thích tạo máu;
- Bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm có thể sử dụng hydroxyurea với mục đích giảm đau;
- Trường hợp thiếu máu mức độ nặng cần phải được bác sĩ chỉ định truyền máu cùng nhóm khi cần thiết;
- Khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, biện pháp can thiệp có thể bằng cấy ghép tủy xương hay cấy tế bào máu cuống rốn;
- Nếu các tế bào máu bị phá hủy quá nhanh có thể chỉ định thay huyết tương hoặc cắt bỏ lá lách.
Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là yếu tố gây trầm trọng thêm các bệnh lý khác. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng của thiếu máu, bạn cần thăm khám với chuyên gia, bổ sung các thực phẩm giàu sắt và dinh dưỡng để cải thiện tình trạng trên.