Chữa viêm khớp dạng dạng thấp: Liệu pháp dinh dưỡng và ăn kiêng

27 Tháng Mười, 2021

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính, chủ yếu tác động xấu đến các khớp gây đau và hạn chế vận động. Điều trị viêm khớp dạng thấp cần sự kết hợp giữa điều trị thuốc, tập luyện và có chế độ ăn phù hợp, kèm theo sự theo dõi sát sao từ các bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Khác với viêm xương khớp (OA) – là dạng viêm khớp phổ biến nhất xảy ra khi sụn bảo vệ khớp bị mòn theo thời gian, viêm khớp dạng thấp (RA) là một dạng bệnh lý viêm mãn tính. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể nhưng phổ biến nhất là ảnh hưởng đến khớp, gây đau và cứng khớp. Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được tìm ra.

Điều trị viêm khớp dạng thấp phải phù hợp với tình trạng cá nhân của mỗi người bệnh, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của các liệu pháp cụ thể và cân nhắc đến tác dụng phụ. Lựa chọn điều trị cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các tình trạng sức khỏe khác của người đó, đặc biệt là những bệnh ảnh hưởng đến gan hoặc thận.

Điều trị đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm khớp dạng thấp và giảm thiểu tổn thương khớp. Điều trị thường bao gồm sự kết hợp của thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc khác, bao gồm điều trị và kiểm soát thông qua chế độ ăn.

1. Nguyên lý chung về điều trị viêm khớp dạng thấp

Hầu như tất cả bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đều cần dùng một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh. Nhưng điều này không làm giảm tầm quan trọng của các liệu pháp điều trị, không dùng thuốc khác có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm thiểu tổn thương khớp, đơn cử như chế độ dinh dưỡng.

Nhiều bệnh nhân viêm khớp dạng thấp tin rằng chế độ ăn uống đóng một phần quan trọng để giảm thiểu các triệu chứng và đã cố gắng thay đổi chế độ ăn uống của bản thân. Thay đổi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ sức khỏe và cải thiện các triệu chứng, nhưng người bệnh cần tuân thủ điều trị như dùng thuốc theo đơn và tập luyện hoạt động thể chất theo khuyến cáo của bác sĩ.

2. Liệu pháp dinh dưỡng và ăn kiêng

2.1. Duy trì cân nặng khoẻ mạnh

Mối tương quan lớn nhất giữa chế độ ăn uống và bệnh viêm khớp là cân nặng. Cân nặng quá mức có thể làm cho một số loại thuốc chuyên khoa không hiệu quả, đồng thời có thể làm tăng nặng tình trạng bệnh và làm chậm quá trình cải thiện bệnh. Nếu người bệnh có trọng lượng cơ thể nặng hơn mức khuyến cáo, hãy cố gắng giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục thường xuyên.

2.2. Thay đổi loại chất béo trong bữa ăn

Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn những người không bị viêm khớp dạng thấp. Lượng và loại chất béo bạn ăn, sử dụng trong nấu nướng ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ đau và viêm khớp.

2.3. Ăn cá nhiều dầu hơn

Các loại cá như cá mòi, cá thu, cá trích, cá hồi và cá hồng có thịt sẫm màu hơn, giàu chất béo không bão hòa đa omega-3. Ngoài các lợi ích về sức khỏe tim mạch, dầu cá đã được chứng minh là giúp làm giảm chứng viêm nói chung và có thể giúp giảm đau khớp, cứng khớp. Chất béo omega-3 từ các nguồn thực vật như dầu hạt lanh, hoa anh thảo và cây lưu ly có tác dụng giảm viêm yếu hơn và lợi ích ít hơn.

.4. Dầu cá

Bổ sung dầu cá liều cao đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như thời gian cứng khớp vào buổi sáng, số lượng khớp bị sưng, mềm và đau khớp. Các thực phẩm chức năng chứa dầu cá nên có 500-1000mg EPA và DHA (chất béo omega-3) trong mỗi viên nang. Bạn hãy kiên nhẫn, vì có thể mất đến ba tháng để giảm triệu chứng. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thực phẩm chức năng nào.

2.5. Theo chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn kiêng này bao gồm thịt gia cầm, cá và ít thịt đỏ nạc hơn so với chế độ ăn kiêng điển hình của nước Anh, nhiều rau (tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp), trái cây tươi, dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà Lan và các loại đậu cùng các loại hạt và quả hạch. Chất béo bão hòa trong bữa ăn được giảm bớt và thay thế bằng chất béo không bão hòa bao gồm cả omega-3. Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp khi tuân theo chế độ ăn kiêng này được cải thiện.

Sử dụng các loại dầu và sản phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn – dầu ô liu và dầu hạt cải nhiều hơn. Sử dụng nhiều chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn omega-3 có thể giúp giảm viêm và giảm các triệu chứng. Ăn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc (5 bữa một ngày) sẽ làm tăng lượng hợp chất được gọi là ‘chất chống oxy hóa‘ có thể giúp giảm viêm và cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.

2.6. Ăn thực phẩm giàu chất sắt

Mệt mỏi là một triệu chứng rất phổ biến của viêm khớp dạng thấp và có thể trở nên tồi tệ hơn do thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể). Thiếu máu có thể xảy ra do sự hấp thụ sắt bị suy giảm trong thời gian ‘bùng phát bệnh’.

Để giải quyết vấn đề này, hãy thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt: thịt nạc đỏ, trứng, rau lá xanh, đậu Hà Lan, đậu, đậu lăng và ngũ cốc ăn sáng có bổ sung sắt. Cơ thể sẽ dễ dàng hấp thụ sắt hơn nếu bạn dùng cùng lúc với vitamin C, vì vậy hãy ăn một phần trái cây hoặc rau quả trong bữa ăn của bạn. Mặc dù có những lời khuyên mà bạn có thể bắt gặp trên các phương tiện truyền thông hoặc một số trang web nhưng không có bằng chứng khoa học về việc nên tránh thịt đỏ trong bữa ăn.

2.7 Ăn thực phẩm giàu canxi

Điều quan trọng là phải bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống để đảm bảo rằng xương luôn cứng và khỏe mạnh. Một số người bệnh phải dùng glucocorticoid để điều trị, vốn có nguy cơ cao gây loãng xương. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa ít béo, sữa chua và pho mát, rau lá xanh, đồ uống từ đậu nành có bổ sung canxi, hạnh nhân và cá ăn được xương, chẳng hạn như cá mòi.

Vổ sung dinh dưỡng cho người viêm khớp với thực phẩm giàu canxi

2.8. Chế độ ăn uống loại trừ và không dung nạp thực phẩm

Chế độ ăn chay có thể giúp giảm các triệu chứng đối với một số người, nhưng người bệnh cần tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng họ vẫn nhận được đủ chất dinh dưỡng. Một số người tin rằng dị ứng / không dung nạp thực phẩm gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh cho lý thuyết này. Tuy nhiên, một số ít người bị viêm khớp dạng thấp có thể không dung nạp thực sự với một hoặc nhiều loại thực phẩm. Thực phẩm nên loại ra khỏi bữa được xác định thông qua chương trình loại trừ dưới sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng. Nhịn ăn là một cách cực đoan và tạm thời để kiểm soát cơn đau và viêm trong viêm khớp dạng thấp và không được khuyến khích.

2.9. Thực phẩm chức năng

Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng viêm khớp tiến triển nhanh hơn ở những người không có đủ vitamin D. Không có bằng chứng khoa học hỗ trợ việc sử dụng vitamin chống oxy hóa hoặc chất bổ sung khoáng chất trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Một chế độ ăn uống lành mạnh chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống bị hạn chế hoặc không có cảm giác thèm ăn thì một loại thực phẩm bổ sung đa vitamin / khoáng chất nói chung có thể cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng phải có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

2.10. Vi khuẩn đường ruột và viêm khớp dạng thấp

Chúng ta biết rằng hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò trong việc điều hòa miễn dịch. Dữ liệu mới đây cho thấy rằng những thay đổi đối với vi khuẩn đường ruột có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đã được quan sát thấy có vi khuẩn đường ruột không đều nhưng cho đến nay, việc sử dụng men vi sinh như một phương pháp điều trị vẫn chưa được chứng minh.

Không nên cho rằng chế độ ăn có thể thay thế thuốc, các phương pháp điều trị thuốc và không thuốc cần được phối hợp tốt để mang lại hiệu quả điều trị khả quan hơn. Điều quan trọng là duy trì cân nặng hợp lý và ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm mỡ trong cơ thể. Giảm lượng chất béo bão hòa, ăn nhiều omega-3 và chất béo không bão hòa đơn (như dầu ô liu) có lợi cho sức khỏe khớp và tim mạch. Thực hiện theo chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải có thể cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần phải luôn luôn tuân thủ và tư vấn với bác sĩ thấp khớp và chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn.